phát đạt. Nhưng ông chỉ giữ độc quyền được có vài năm. Hàng ngàn các
nhà tìm tòi góp sức nhau trong hàng trăm phòng thí nghiệm đầy đủ dụng cụ
tối tân, ganh đua nhau giải quyết vấn đề điện thị, hy vọng đạt được những
kết quả tốt hơn của ông. Công ty có thế lực nhất, cạnh tranh với ông ráo riết
nhất là hãng Marconi ở Mỹ. Đài B.B.C. đã không ủng hộ ông mà còn loại
ông ra nữa, dùng máy điện thị và nhân viên của hãng Marconi. Thực đau
xót cho ông. Mỉa mai nhất là dân chúng Mỹ hoan nghênh ông, tin cậy ông
và gửi mua những máy điện thị của ông.
Nhờ vậy, công việc kinh doanh phát đạt, ông tậu được một biệt thự lớn ở
gần Luân Đôn, mời bạn bè tới chơi. Trong số này, có nhiều nghệ sĩ quen cô
Margaret Albu lúc đó đánh dương cầm cho đài B.B.C. nhắc chuyện cũ, hồi
ông triển lãm lần đầu trong một tiệm bán đồ điện ở Luân Đôn, và hai người
thương nhau, ba tháng sau cưới nhau.
Năm 1936, ông lại cặm cụi nghiên cứu để tìm cách truyền hình màu và nổi.
Tới cuối năm 1941, giữa cái thời Luân Đôn bị phi cơ Đức giội bom tàn
nhẫn, ông chế tạo một máy truyền được hình màu. Một trái bom thả trúng
phòng thí nghiệm của ông, phá tan nát hết. Ông thoát chết, phải ngưng công
việc trong một thời gian, nhưng vẫn lạc quan, vẫn đợi thời cơ thuận tiện mà
giải quyết nốt vấn đề truyền hình nổi. Tháng sáu năm 1946, đài B.B.C. mở
cửa phòng điện thị trở lại, định dùng máy của ông để truyền hình cuộc Diễn
Binh Khải Hoàn. Thế là đài và ông đã làm lành với nhau. Ông rất vui vẻ,
mời các bạn thân tới dự. Khách khứa đã đủ mặt. Một người thư ký ra cho
hay ông xin lỗi không tiếp khách được vì ngọa bệnh. Không có gì nặng.
Chỉ là bệnh đau cuống phổi tái phát thôi. Ai cũng biết ông vốn có bệnh đó,
nên không lo ngại gì cả, ngồi coi cuộc Diễn Binh Khải Hoàn trên máy điện
thị.
Sáu hôm sau, ông mất, thọ năm mươi tám tuổi. Bẩm chất yếu ớt như vậy,
đời sống lao đao như vậy, làm việc cực nhọc như vậy mà sống được bấy
nhiêu cũng là nhờ ông khéo giữ gìn lắm. Suốt đời ông chỉ uống nước lạnh
và trước khi cưới cô Margaret, không hề gần đàn bà.