phả bên nội bên ngoại ông, không thấy có một người nào thông minh xuất
chúng cả. Ông hình như ở trên trời lạc xuống cõi trần, không được hưởng
một chút di truyền gì của tổ tiên, và khi ông mất thì dòng dõi ông cũng
tuyệt.
Cả về phương diện tài năng, ông cũng cô độc nữa. Pierre Rousseau trong
cuốn Histoire de la Science (Lịch sử khoa học) do nhà Arthème Fayard
xuất bản năm 1949, gọi thế kỷ 18 là thế kỷ của Newton vì tài của ông vượt
lên trên tất cả những nhà khoa học đương thời, bao trùm hết cả công việc
của họ, mở những khu vực mênh mông cho người thời sau khám phá. “Ông
như con đại bàng bay lượn lên cao, không có gì ở mặt đất mà không thấy”.
Ông sinh thiếu tháng trong đêm Nô-en năm 1642, ở làng Woolsthorpe
(Anh); nhỏ xíu, yếu ớt, có thể đặt nằm gọn trong cái bình một lít được. Cô
mụ lắc đầu bảo: “Thằng nhỏ này khó nuôi”. Vậy mà ông vẫn sống, lại sống
lâu nữa. Đặc biệt nhất là cái đầu của ông, nó nặng quá, cổ đỡ không nổi,
người nhà phải làm một cái cổ giả bằng da cứng; đến khi lớn tuổi, đi học
rồi, ông vẫn phải đeo cái cổ giả đó, và bạn bè chế giễu ông là thằng “đầu
đá”. Mới đầu ông còn nhịn, sau chúng làm quá, ông nổi giận, sấn vào đánh
tới tấp một đứa lớn hơn ông. Từ đó chúng kệch. Tưởng ông yếu ớt, ngờ đâu
ông mạnh như vậy.
Nhưng ông chưa tỏ ra vẻ gì thông minh cả, mới đầu học trường xóm, rồi
lên trường lớn ở Grânthm. Tư chất đã tầm thường mà lại không ham học,
nên thường đội sổ. Không có bạn thân, suốt ngày lầm lì, chỉ lúc nào hí hoáy
làm đồ chơi là mặt tươi lên một chút. Thích tẩn mẩn làm những cái diều,
những cái đèn bằng giấy, hoặc chế tạo những cái đồng hồ bằng nước,
những cái xe con con để đẩy, những cái cối xay lúa cho chuột kéo, những
cái nhật quỹ để đo bóng mặt trời mà tính giờ. Ai cũng bảo cái ngữ đó, sau
có giỏi thì chỉ làm được thợ máy, đốc công là cùng.
Không ngờ sau vụ hạ một đứa bạn đã chế giễu ông, lòng tự ái phát triển,
ông gắng học để hơn chúng, tuy chẳng đứng đầu lớp, nhưng cũng vào hạng
khá khá. Thấy vậy, mẫu thân ông cho tiếp tục học nữa và năm mười chín
tuổi ông vô một trường có tiếng, trường Cambridge.
Lúc đó ông đã có khiếu về toán, mấy năm trước cặm cụi tự học môn toán,