- Tôi thay mặt vua nước tôi, không thể nào làm ô danh quốc thể mà
quỳ lạy một vị nguyên soái của Trung quốc. Dù có mất đầu tôi cũng không
quỳ, tánh mạng tôi hiện nay ở trong tay tướng quân, vậy tướng quân muốn
làm sao thì làm.
Thấy lời lẽ khẳng khái của người khâm mạng triều đình nước Nam, tên
tướng Tàu không dám giết vì y cho rằng sẽ thất nhân tâm. Vả lại, thế lực
của y chưa xây dựng vững vàng cho lắm, y cần phải tạm ra vẻ thân dân
trong lúc nầy.
Y bèn mời cụ Nguyễn-Biểu ngồi, rồi sau đó mở tiệc khoản đãi.
Khi tiệc dọn lên thì trên mâm rượu có đúng một cái đầu lâu người mới
bị chém, máu me còn lai láng, hai mắt trơn trừng rất là ghê sợ. Đó là món
ăn duy nhất để đãi khách với một nậm rượu cùng để trên mâm. Trương Phụ
giơ tay mời : « Thỉnh tiên sinh ».
Y để ý xem cụ Nguyễn Biểu có sợ hãi chăng trước cái đầu lâu cảnh cáo
cụ hãy coi chừng mất đầu lúc nào không biết.
Cụ Điền tiền ngự sử cảm thấy lúc này cụ lãnh môt sứ mạng quan trọng
lắm ; ở con người bé nhỏ, gầy còm của cụ không những có sự đại diện cho
nhà vua mà còn cả một cái gì cao cả, vô giá hơn nữa : cái đó là sự đại diện
cho Quốc-gia, Dân-tộc. Nghĩ vậy, cụ điềm đạm không hề biến sắc mặt trước
mâm tiệc đầu lâu ấy ; cụ ngồi vào bàn tiệc với thái độ thản nhiên. Nguyên
soái Trương Phụ để ý nhận xét từng cử chỉ cùng nét mặt của cụ.
Vị đại diện nhà vua rót rượu, cầm đũa, rồi nói với viên tướng xâm lăng
:
- Chẳng mấy khi một kẻ tì tiện ở nước Nam như tôi được ăn đầu lâu
của người Trung quốc. Tướng quân đã có lòng khoản đãi, tôi đâu dám từ
chối.