6. ĐỐC BINH « THÒI LÒI »
Vào một buổi sáng mùa thu ảm đạm, dân Cao Lãnh vui vẻ buôn bán ;
chợ bắt đầu nhóm, người qua kẻ lại tấp nập.
Bỗng nhiên có những tiếng la như thất thanh, kêu cứu inh ỏi ; dân
chúng hùa nhau chạy tán loạn như ong vỡ tổ. Các tiệm chạp phô vội vàng
đóng cửa vì ai cũng vừa hay tin rằng quân lính của Quản Khanh từ đâu kéo
tới sắp xáp chiến với Đốc binh « Thòi lòi ».
Quản Khanh tên thật là Phạm Công Khanh, nhờ Tôn thọ Tường lúc ấy
làm tri huyện giới thiệu với Pháp nên được lãnh chức Quản đạo và được
Pháp giao cho sử dụng hai khẩu súng « cò máy đá ». Chỉ hai cây súng này
thôi cũng đủ làm mưa làm gió vì là thứ võ khí có thể giết người từ một nơi
xa, trong khi dân V.N. chỉ có giáo mác làm võ khí.
Súng « cò máy đá » là thứ súng thô sơ cách đây một thế kỷ, hồi Pháp
mới chiếm xứ Nam kỳ ; mỗi khi muốn bắn súng ấy phải bấm cò cho nó mổ
xuống một viên đá lửa ; lửa sẽ nháng ra bắn qua bì đạn làm cho đạn nổ. Hồi
ấy bắn một phát súng là một sự khó khăn mất thì giờ. Tuy nhiên hai khẩu
súng « cò máy đá » cũng làm cho nông dân sợ Quản Khanh như thần linh,
ôn dịch.
Quản Khanh hôm nay từ phương xa đem lính tới Cao Lãnh quyết bắt
sống Đốc binh Thòi Lòi, không thì cũng lấy thủ cấp, đem về nộp cho Tây
lãnh thưởng. Phong trào Cần Vương chống Pháp đã thất bại nặng nề ; hàng
sĩ phu trong nước chỉ còn lác đác các nơi, ngấm ngầm lo tính việc quốc gia.
Cụ Thủ khoa Huân được triều đình Huế phong Đề đốc ; cụ Thiên Hộ
Dương tức Võ di Dương được làm Lãnh binh, cụ Trương công Định lãnh
chức Bình Tây Đại nguyên soái. Triều đình Huế muốn duy trì một phong
trào chống Pháp ở trong Nam.