4) Một đồng điểm giữa hai bực tu hành khả kính là luôn được tôn sư
theo sát hành động để yểm trợ tinh thần. François tuy lao mình vào các
hiểm địa xa cách tôn sư Ignace ngàn vạn dặm song luôn luôn giữ đúng
cương lĩnh Dòng Tên và thực hiện đúng tinh thần cuốn Linh-Thao mà
Ignace là tác giả. Các phúc trình của François về cho Ignace và các bức thơ
Ignace gởi cho ông nói lên thầy trò ông tuy xa mặt mà lòng như hình với
bóng.
Huyền-Trang lúc thuyết pháp tại Ấn-Độ luôn luôn được thầy là Giới-
hiền Pháp-sư cố vấn hay chứng giám nhứt là những lúc đấu lý ác liệt với
các phe tà thuyết.
5) Hồi lúc François cùng thầy là Ignace thành lập Dòng Tên đã có lúc
cùng thầy sang Jérusalem viếng thánh địa, quan sát những nơi Đức Giê-Su
từng trải qua giảng đạo, làm phép lạ, những nơi Ngài bị bắt, bị xử tử hình
và chịu đóng đinh. Cuộc hành hương ấy gia tăng nơi François lửa thiêng
truyền bá Phúc-âm. Cũng như François, Huyền-Trang lúc ở Tây-Trúc đã
từng viếng thánh địa của Phật-giáo. Ông hớn hở khi đặt chân trên Cabilavê
là nơi Đức Thích-Ca ra đời, trên Xá Vệ là nơi Ngài thuyết pháp. Ông hân
hoan khi đến Banaila nơi Đức Phật thành đạo. Ông bồi hồi cảm động như
ngồi trên tòa sen khi viếng chùa Đề-La-Gia để chiêm ngưỡng gốc Bồ đề.
Ông ngậm ngùi khi đến Kusinagara nơi Đức Phật giả từ dương thế. Cuộc
hành hương đầy ý nghĩa nầy đã khắc tạc trong tâm địa Huyền-Trang những
kỷ niệm thâm trầm, như ánh lửa nung nấu thêm nhiệt huyết truyền bá Phật
pháp nơi ông.
Tóm lại: Ta thấy trong bất cứ sự nghiệp lớn lao nào, trong đó có sự
nghiệp truyền giáo, tình thầy trò quan trọng quá. Nó là động cơ của mọi tác
hợp lớn lao của người muốn chung vai sát cánh truyền bá chân thiện mỹ. Ta
chưa kể từ Huyền-Trang đến François Xavier mỗi người có những đệ tử
riêng. Ta chỉ mới kể họ, và các tôn sư của họ thôi. Có thể nói tình thầy trò
đã tạo họ thành một quỷ đạo nhân sự keo sơn trong lý tưởng, tha thiết nhau