a) Là nhà khảo bình:
Người ta gọi Thomas d'Aquin là ông hoàng của triết học kinh viện. Ông
là môn đồ của Albert nhưng vượt xa tôn sư. Ông tiếp tục công việc của thầy
là nghiên cứu Aristote nhưng ông phân tích, tổng hợp thuyết Aristote đến
cao độ. Độc đáo của ông là khảo bình bằng óc sáng tác.
b) Là sử gia:
Ông đọc cẩn thận lại hết triết sử của Hi-Lạp, La-Tinh, Á-Rập, Do-Thái
và các thánh phụ của Ky-Tô giáo. Ông phân tích và tổng hợp các học thuyết
liên quan đến thần học. Độc đáo là ông làm công việc ấy với phương pháp
và tinh thần của một sử gia nên việc làm của ông có sức nặng vững chắc.
c) Là giáo sư và văn sĩ:
Thomas là giáo sư mà tài giảng huấn lên đến cao độ. Hai bộ Tổng-lược
ông soạn cố ý làm sách giáo khoa. Còn nói về nghệ thuật viết sách của ông
thì cứ nhìn hai cuốn"Tổng-lược Thần-học" và"Tổng-lược chống ngoại giáo"
tất biết khả năng siêu quần bạt chúng của ông. Ngòi bút của Thomas là ngòi
bút súc tích, chính xác và trong sáng.
d) Là triết gia:
Gần như thừa khi nói Thomas là triết gia vĩ đại. Ông quán tuyệt trong
việc sử dụng óc suy lý lẫn óc thực tế. Từ thời Augustin người ta lẫn lộn triết
với thần học. Đến Thomas, triết là khoa học tự lập. Nó giúp thần học chứ
không lẫn lộn trong thần học. Nổi bật nhất nơi Thomas là óc tổng hợp. Nếu
gần hết khôn ngoan thời thượng cổ tập trung vào Aristote thì gần hết khôn
ngoan của Aristote tập trung vào Thomas d'Aquin.
3.- Tác phẩm của Thomas: