Xã hội học đưa Teilhard đến ý thức thống nhứt của các dân tộc và ý thức
tập đoàn của nhân loại. Sự kiện ông du khảo nhiều nước, nghiên cứu địa lý,
tôn giáo, phong tục, tâm tính của nhiều dân tộc, tạo cho ông tinh thần coi
nhân loại là đại đồng. Biên giới từng quốc gia xóa mờ trong đầu óc ông.
Ông chỉ nhắm nhân bản thuyết đại đồng. Ông là người thu hút được tinh
hoa của các nền văn minh từ Âu-Mỹ đến Đông-phương, bằng phương pháp
tiếp xúc trực tiếp và nghiên cứu tận nguồn.
8.- Vòng đai bằng hữu:
Bạn bè của Teilhard đông vô số. Ta chỉ liệt kê một số tên tuổi thôi:
1) Édouard Le Roy(1870- 1954) môn đồ của Bergson và giáo sư của
Collège de France trong tình thâm giao với Teilhard đã giúp cho ông nhiều
về các khoa sinh vật và xã hội học.
2) Auguste Valensin(1879- 1953) là cố vấn về đạo đức lẫn nghiên cứu.
3) Pierre Charles và Joseph Maréchal là những bạn giúp Teilhard có đầu
óc thoát trừu tượng, bám vào sự kiện cụ thể.
4) Bên Anh, Rousselot là người hướng dẫn Teilhard đào sâu Thomas
d’Aquin về hữu thể học.
5) Từ 1920- 1925, Paul Doncoeur trong tình bạn đã thúc đẩy Teilhard
say mê nghiên cứu vũ trụ và thần học về nhập thể của Đức Giê-Su.
9.- Teilhard đọc ai?
Đọc Bergson. Nhất là cuốn L'Évolution Créatrice. Teilhard coi như sách
gối đầu giường. Rồi đến bộ Les Deux Sources, ông đọc trong thời giặc
1939. Nếu đọc Bergson, Teilhard thoát được óc định kiến, ngã về hướng
siêu hình khoa học của lịch sử vũ trụ thì đọc Blondel, ông vững tin khi phải
dứt khoát các trói buộc phàm thể trước sự lựa chọn con đường thiên triệu.