Tại sao cả lũ binh lính đông như kiến cỏ theo ông trong cơn lốc trường
chinh, lớp chết như mối bị thui, lớp sốt rét, kiết lỵ mà vẫn thương mến ông
hết lòng hết dạ. Huấn từ về lòng nhân ái của chân sư Aristote có thấm vô
cốt tủy ông không. Có lần trên đường đi chinh phạt, ông cùng quân sĩ gần
chết khát. Có người đem cho một bình nước. Ông để cho mấy binh sĩ gần
ông uống trước rồi còn dư lại ông mới uống. Có lẽ nhờ vậy mà ông uống
máu họ, họ vẫn không bỏ ông. Theo sử gia Plutarque thì đoàn quân nào của
ông sau chiến thắng cũng được ân thưởng bội hậu. Sau khi ông hạ sát
Cleitus, người bạn đã cứu tử hoàn sinh cho ông, ông hối hận đến đổi ăn ngủ
không yên và niềm hối hận đó ông mang xuống tận tuyền đài.
Lúc bị cô gái giang hồ Thais xúi giục phóng hỏa dinh của Xersès ông
quăng lửa lần đầu tiên song rồi cũng chính ông là người đầu tiên dập tắt lửa.
Như vậy ánh lửa trong lương tâm môn đồ của Aristote chưa tắt hẳn.
Ông hoàng Ấn-Độ là Porus bị ông quật ngã rồi đáng lẽ bị ông cho chầu
trời luôn, nhưng ông còn hỏi muốn được đối xử làm sao. Porus xin được đối
xử như một ông hoàng. A-Lịch-Sơn liền cho phục chức, trả lại lãnh thổ rồi
coi như chư hầu của Macédoine.
7.- Khi thành danh thành phận rồi, A-Lịch-Sơn còn nhớ công ơn tôn sư
không?
Tuy luôn say mộng bá chủ, A-Lịch-Sơn lúc nào cũng không quên mình
là một nhà trí thức. Ông luôn học hỏi, sưu tầm, thám hiểm. Ông đã gởi về
cho thầy cũ vô số tài liệu về vạn vật học, về sử ký, địa lý, văn hóa, văn
minh của các xứ bị chinh phục. Trong mấy năm Aristote nghiên cứu khoa
học, chính A-Lịch-Sơn đã cung cấp cho thầy cả ngàn nhân viên phụ tá: Sự
kiện gần như cổ kim chưa từng xảy ra giữa thầy trò.
Trò lo cho thầy như vậy và một nhà trí thức làm việc mà được tiếp tay
bằng mối tình thâm uyên, kỳ lạ như vậy. Lòng yêu mến Aristote gởi nơi A-
Lịch-Sơn thời thơ ấu cao siêu thế nào thì khi đã nên người, A-Lịch-Sơn