Ngoài sân, những cành phượng vẫn đỏ chói chang. Người ta gọi hoa phượng là hoa học trò.
Nhưng với Út Thêm và Dư, lời ví von đó không đúng chút nào. Với chúng, mùa hè thật xa lạ.
Đó chỉ là mùa nắng cháy trên những cánh đồng khô nẻ chân chim.
Ngày hôm sau tôi mượn xe đạp của anh Thoảng chạy lên chợ Bình Trung mua hai cuốn
tập và một cây viết chì. Tôi không dám nhờ dì Sáu mua giùm, cũng không dám nhờ Nhạn và
Dế, sợ bị tra hỏi lôi thôi.
Buổi chiều, tôi lẻn xuống xóm Miễu. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi dạy Út Thêm và thằng Dư
học. Hôm qua, trước lúc ra về, tôi đã nói ý định đó với Út Thêm. Thoạt đầu Út Thêm tỏ vẻ
ngần ngại. Nó bảo tôi và nó mới quen nhau, nó không dám làm phiền tôi. Tôi bảo chẳng có gì
phiền hết, tại tôi thích thế. Nó lại bảo từ nhà dì Sáu đến xóm Miễu đường sá xa xôi, ngày nào
tôi cũng đi, mỏi cẳng hết. Tôi liền quả quyết rằng tôi rất thích đi bộ. Để cho nó tin, tôi còn
phịa là hồi ở thành phố, mỗi ngày tôi đi bộ cả chục cây số.
- Đi đâu xa vậy ? - Út Thêm ngờ vực hỏi.
- Thì đi loanh quanh.
- Đi loanh quanh mà cả chục cây số ?
- Ừ. Tại đi chỗ này chút, chỗ kia chút. Đi cả chục chỗ như vậy.
- Đi một mình hả ?
- Không. Đi với bạn bè.
Tới đây, Út Thêm không thắc mắc nữa. Nó băn khoăn chuyện khác:
- Anh chỉ còn ở chơi hơn một tháng nữa, làm sao dạy Út học được?
- Sao lại không được? Tôi chỉ cần dạy cho Út Thêm và thằng Dư biết đọc thôi. Một khi biết
chữ rồi, Út Thêm có thể đọc được bao nhiêu là thứ.
Viễn ảnh tôi vẽ ra hấp dẫn đến mức Út Thêm không nại ra bất cứ lý do gì để từ chối nữa. Và
ngay lập tức nó đi báo tin cho thằng Dư. Tôi tưởng vì thù tôi, Dư sẽ phản đối. Hóa ra nó ham
học cùng ngang với ham đánh nhau. Được đi học, đó là nỗi thèm khác bấy lâu của Dư. Sau
này tôi dần dần hiểu ra sở dĩ tụi xóm Miễu thường đánh nhau với tụi xóm ngoài bởi vì
chúng ghen tị với những đứa được học hành đàng hoàng như Nhạn, Dế và Thể. Nguyên
nhân này sâu xa hơn việc giành nhau khúc suối nhỏ chia đôi hai xóm.
Khi tôi đến, Út Thêm và Dư đã ngồi sẵn vào bàn. Hôm nay, hai chị em ăn mặc tươm tất hơn