oanh kích vào các thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam và kêu gọi nối lại
cuộc hòa đàm ở Paris vào ngày 8 tháng 1 năm 1973: Sau 12 ngày đêm điên
cuồng không tập, Hoa Kỳ đã mất 81 chiếc máy bay hiện đại, trong đó có 34
chiếc máy bay chiến lược B52, bằng 17% số máy bay tham chiến, gần 10%
tổng số máy bay chiến lược hiện có và 5 chiếc máy bay chiến đấu cánh cụp
xòe F111A, hiện đại nhất của không lực Mỹ. Tổn thất lớn nhất của Mỹ là
nhiều phi công bị chết và bị bắt sống đang phẫn nộ và chán chường ngồi
trong các nhà tù của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đợi ngày phóng
thích. Đế quốc Mỹ đã thua trên bầu trời Hà Nội. Lịch sử giữ nước Việt
Nam lại ghi nhận một trận Điện Biên Phủ trên không. Nó chứng minh tinh
thần yêu nước Việt Nam là bất diệt và khẳng định niềm tin của Bác Hồ kính
yêu trước lúc Người đi xa.
Thằng bé Huỳnh Anh Minh vô tư giật lấy tờ báo cũng giơ lên ra vẻ
đọc trong khi mẹ nó như người mộng du, không biết chuyện gì sẽ xảy ra và
trong lòng chị linh cảm điều lành thì ít, điều dữ thì nhiều.
Cẩm Nhung lao vào phòng cấp cứu Viện quân Y 108. Một khối băng
trắng nằm bất động. Dù không nhận dạng nhưng không ai khác nữa ngòai
chồng chị. Chị ôm chòang lấy người chồng thân yêu, khóc òa lên:
- Anh ơi! Em và con đến đây rồi! Anh có nhận ra không?
Trong cõi âm u mù mịt, văng vẳng tiếng gọi mơ hồ, anh cảm thấy như
có ai lôi dần mình lên từ đáy cái hố đen thăm thẳm. Lại có tiếng trẻ con
lanh lảnh như điệu nhạc quen thuộc êm ấm thân thương:
- Mẹ ơi!… Ba… Ba đâu?
Anh lờ mờ thấy trước mắt hiện ra một mái trường với những đứa trẻ
thơ đang mừng vui ríu rít giơ tay lên vẫy vẫy. Chắc là học trò của vợ anh.
Anh nhớ ra chiếc máy bay của anh như con chim khổng lồ gãy cánh lao
vun vút xuống chùm lên bầy trẻ. Như có điều gì linh thiêng thức tỉnh. Bàn
tay anh động đậy, quơ quơ. Môi anh mấp máy bật ra theo hơi thở yếu ớt:
- Các cháu… học sinh… có… sao… không?
Cẩm Nhung không biết điều gì đã xảy ra với chồng mình. Chị kéo bàn
tay con áp vào tay cha nó và nâng cả hai bàn tay ấy lên ấp vào mặt mình.