một cô gái qúa xinh chơi violon, lòng tôi xốn xang, chân tay ngứa ngáy làm
sao. Thời ấu thơ tôi cũng được học violon nhưng nghệ thuật không phải là
thứ tôi ham thích. Vậy mà lúc này tôi nảy ra ý định liều lĩnh chạy lên sân
khấu ôm chặt vào lòng cả cô gái với cây đàn! May thay ý nghĩ ngông dại ấy
chỉ thoáng qua trong đầu chốc lát thôi mà lòng tôi còn rung động mãi.
Lúc này vùng hậu phương tiến hành Cải cách ruộng đất. Ở đây đang
xử vụ đại điền chủ Nguyễn Thị Năm cũng là chủ hãng Cát Hanh Long ở
Hải Phòng, chuyên buôn bán từ hàng nặng nhất như sắt thép tới hàng nhẹ
nhất như tơ lụa nhiều người biết tiếng. Một hôm tôi vào khai thác bọn gián
điệp trong trại giam Quán Triều, tình cờ được biết bà Năm với người quản
lý là ông Đội Hàm cùng bị giam ở đó. Con trai ông đang làm phó ty Công
an Thái Nguyên bị cách chức ngay và vào tù cùng cha. Hai người con trai
bà Năm đang là cán bộ quân đội cũng bị gọi về vào ngồi tù cùng với mẹ.
Bà Năm là người đứng đầu Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên lúc đó,
từng “đỡ đầu” cho nhiều đơn vị bộ đội mỗi lúc khó khăn, nhà bà là nơi qua
lại của nhiều cán bộ kháng chiến cấp cao. Thực ra lúc ấy tôi còn trẻ qúa, lại
mới lớ ngớ từ thành ra với lòng hăng hái đánh tây, nghe người ta xầm xì
đấu tố thế này thế nọ, người bảo oan, người bảo óan. Thực lòng không thấy
oán thù điều chi nhưng cũng không hiểu hư thực thế nào.
Trong lòng tôi ngong ngóng hướng về thành phố với bao điều nhớ
mong trăn trở. Bọn phòng Nhì quay ra dụ dỗ gia đình gọi tôi về bảo đảm sẽ
cấp giấy cho qua Pháp học ngay. Nghe tôi bắn tin về nhà là được qua Trung
Quốc học, thằng tây lai giơ hai tay lên trời tiếc rẻ: “Oh… la la ! Cho qua
Paris không đi mà lại qua Tàu… Lạc hậu lắm! Thằng anh nó đang học ở
Bordeau. Nước cộng hòa Pháp luôn rộng lòng với những ai trung thành!”.
Chúng đưa tôi ra Tòa áo đỏ (Tòa án binh) kết án vắng mặt 15 năm tù. Thế
là tôi không thể quay về hoạt động trong phong trào sinh viên - học sinh
được nữa. Tôi được chuyển về khu căn cứ của Thành ở Xích Thổ, gần đồn
điền Phạm Lê Bổng ở Nho Quan.
Tôi và Nguyễn Tôn Đức với một chiếc xe đạp đi từ Thái Nguyên
xuống Ninh Bình. Lúc nghênh ngang đèo nhau. Lúc thay nhau vác xe đi
con đường tắt. Lúc đứa đẩy, đứa dắt lên đèo xuống dốc. Ba lô nhẹ tênh mấy