Dù nể anh nhưng tôi vẫn được nhà tiếp tế cho đều đều nên nghĩ ra
cách nhờ dân mua hộ cá, thịt, trứng… về tăng cường cải thiện. Thế là bình
đẳng! Đại táo xem ra còn tươm hơn Trung táo! Anh Đỗ là người không
chấp nhất, chỉ cười thôi và không khi nào từ chối. Lúc đó ai cũng nghĩ
chuyện ưu ái miếng ăn ngụm uống chỉ là nhất thời trong lúc chiến tranh
khó khăn gian khổ qúa thôi. Có ngờ đâu nó kéo dài đằng đẵng mấy chục
năm trời tới mức mớ rau, cái bát cũng phân phối theo tiêu chuẩn như là bản
chất của một chế độ, thế mới là tốt đẹp! Ai đã qua một thời bao cấp còn
nhớ mấy câu vè thấm thía: «Tôn Đản là của vua quan – Vân Hồ là của
trung gian nịnh thần – Chợ trời là của muôn dân» ! Với các loại bìa phân
phối lương thực – thực phẩm định lượng hàng tháng cho từng nhân khẩu.
Trẻ em cùng với thường dân mang ký hiệu TR và N bìa màu trắng đục.
Công nhân viên, cán bộ ăn theo đẳng cấp từ thấp đến cao: E – D – C – B2 –
B1 – A2 – A1 với đủ màu sắc và cả loại siêu hạng ít ai biết nữa! Là thầy
thuốc nhi khoa, tôi rất nhạy cảm và rùng mình khi qua quầy hàng thịt thấy
ghi trên tấm bảng: «Hôm nay có thịt trẻ em» (tức là phiếu TR dành cho con
trẻ)! Người ta chưa đánh giá hết nhiều tệ hại nảy nòi ra suốt chặng đường
dài, trong đó chế độ bao cấp cũng phải được coi là tội phạm vì nó là một
trong những nguyên nhân làm mất nhân phẩm, nói tránh đi là làm xuống
cấp trầm trọng đạo đức ở một bộ phận không nhỏ quan viên nhà nước!
Người ta lộ mình ra hoặc ẩn mình đi cũng là để được chuyển màu nâng cấp
hoặc ít ra cũng giữ nguyên tấm bìa chẳng khác gì tấm thẻ bài ngà ngày xưa
của đám quan lại Nam triều! Người ta hãnh diện trưng ra tấm bìa ở nơi mua
bán nhưng giấm giúi nhau những gì mua được để chứng tỏ rằng họ vẫn
sống gần dân, luôn chia sẻ cùng dân! Miếng ăn, thứ uống rồi đến manh
quần tấm áo, cái xe, cái nhà đã thành mục tiêu phấn đấu cụ thể của qúy
ngài tôi tớ nhân dân!
Anh em chúng tôi hiểu nhau, ngày càng tin và qúy nhau hơn.
Một hôm, sau bữa cơm chiều, hai anh em dạo ra cánh rừng xa xa sau
nhà. Anh Đỗ lấy kèn ra thổi. Lúc đầu là mấy bản nhạc thường quen, sau
anh thổi mấy điệu valse bay bổng say mê qúa. Tôi ngứa chân, tay giơ lên đi
vòng vòng theo điệu nhạc. Anh vui lắm, càng thổi hăng hơn, chuyển qua