Tôi bật cười lên :
- Xuân? Mùa xuân qua rồi mà sao Xuân vẫn ở đây?
Em vòng tay trên bàn và gục đầu xuống. Đôi vai rung rung không hiểu
em khóc hay cười. Khi chúng tôi bước ra vừa khuất ngòai cửa nghe tiếng
một người:
- Các anh này vô tư quá, không biết sợ!
Về nhà mới biết anh Thanh Sơn chính là Phạm Nghị, cán bộ cấp
Trung đoàn, thủ trưởng trực tiếp của đơn vị. Anh từng chỉ huy cho nổ tung
hơn 20 bốt điện trong một đêm khiến Hà Nội cả tuần không đèn cứ nhốn
nháo lên. Anh còn tổ chức đánh tháo mấy cán bộ chiến sỹ của ta bị cầm tù,
giả nằm chữa bệnh ở Khoa A1 – nhà thương Phủ Dõan. Tôi nói bô bô :
- Đẹp mã, tốt tướng, tài ba như thế chắc nhiều em mê lắm!
Anh Đỗ tủm tỉm cười.
Chiều ấy ba đứa chúng tôi kéo nhau ra quán, rủ không ai cùng đi. Thời
ấy đâu có chuyện nhậu nhẹt rượu bia ăn uống phung phí bừa bãi như bây
giờ. Bát phở, đĩa xào, mấy cái nem cuốn, nem rán, cà phê bít tất, thuốc lá
thơm Cotab là sang lắm rồi. Không ai nhớ được giá trị cụ thể của các khoản
tiền lĩnh được nhưng với tôi lúc đó chẳng nghĩa gì. Tan cuộc, thằng Kiên
mang về mấy cái nem, cái gỏi bọc kỹ trong giấy báo làm quà cho các em.
Tôi lẳng lặng có cách tính của tôi.
Trước ngày rời căn cứ, tôi sang gặp em Xuân, nói chuyện tầm phơ một
chút, khi ra về tôi kín đáo trao cho em một gói nhỏ, cũng chẳng hẹn hò gì.
Qua khoảng ruộng về bên này, quay lại nhìn sang cánh rừng bên kia vẫn
thấy Xuân đứng đây, chăm chăm hướng về tôi. Tôi giơ tay vẫy vẫy và hôn
gió gửi em. Cả hai chúng tôi chìm vào bóng rừng không biết lúc nào. Từ ấy
đến nay tôi không biết gì về Xuân nữa ngòai một tin chẳng vui gì là cô gặp
vạ vì chút tình cảm vớ vẩn của tôi khi ấy.
Thời gian khá lâu sau, trở ra căn cứ lúc đó đã chuyển điểm rồi, tôi có
dịp qua bộ phận Cung cấp, cố lân la tìm em. Nhiều người mới. Số cũ ít
người nhớ. Duy có một cô em còn nhận ra tôi nhưng chỉ tiếp chuyện hững
hờ. Tôi hỏi thăm Xuân, cô trả lời gọn lỏn:
- Chuyển đi rồi! – và bỏ đi luôn.