Đôi điều tôi biết về Vũ Trọng Phụng
N
ăm 1939, Vũ Trọng Phụng mất, tôi đã viết về ông trong Chiêu niệm Vũ
Trọng Phụng. Bài này đăng báo nào, nhiều năm đã qua đi, tôi không nhớ.
Nhưng gia đình ông còn lưu giữ.
Nửa thế kỷ đã trôi qua...
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những gì tôi biết về con người ông, với tư
cách là một nhà văn, một đồng nghiệp, một bằng hữu, vẫn luôn làm tôi cảm
thương, tiếc xót. Một con người tài năng siêu hạng là thế, sống nghĩa tình,
đầy đặn với đời là thế, sao lại rời bỏ cõi thế gian này sớm vậy?
Lần đầu tôi gặp Vũ Trọng Phụng tại tòa soạn báo Loa của Côn Sinh và
Tam Lang đường Gia Long xưa, nay là Bà Triệu. Tôi tới đưa bản thảo
truyện ngắn Đời tư Lã Bố. Khi đó Tam Lang đang thích thú cái “tít” hài
hước của truyện thì bỗng thấy một anh chàng nhỏ nhắn, gầy gò, đầu đội
khăn xếp, mặc áo the đen, xuất hiện. Đó, Vũ Trọng Phụng. Và tôi thật sự
sửng sốt trước cái nhan đề tập phóng sự mà họ Vũ đưa ra: Kỹ nghệ lấy Tây.
Vừa lúc đó Lan Khai y phục cũng giống Vũ Trọng Phụng bước vào. Ông là
người chuyên viết về Chuyện lạ đường rừng cho tờ Ngọ Báo (anh em vẫn
gọi đùa là nhà văn “mán xá”). Vốn rất vui tính, Lan Khai cười hô hố rồi la:
“Jeu de titre! Các ông toàn chơi những cái “tít” quái ác thế này!”
Quả là sau đó, nhiều truyện của Vũ Trọng Phụng đều mang đầu sách giật
gân, đập vào thị hiếu người đọc.