hơi tiếc rằng giá gặp sớm tri âm ngay từ ngoài cổng thì hẳn là đỡ được
chiếc vé bình dân. Sáu vụt nghĩ đến những chiều chủ nhật, mình phải lao
đao lắm mới xoay nổi tiền mua vé, có khi nài xin tiền người vợ hai sương
một nắng bán quà rong, có khi phải xoay của một anh bạn qua nhà, hay bí
quá phải moi trộm ống tiền dành dụm của lũ con, thật quá thảm hại như
một con nghiện đã đến giờ vật vã.
Chất bia, vì thế, không còn làm cho Sáu nguôi ngoai. Ông đứng thừ ra,
mắt nhìn vào trong bãi cỏ. Ông bạn già yên trí rằng người anh hùng xưa
đang nhớ lại những trận tung hoành thuở trước. Ông bèn kính cẩn nghiêng
ô che nắng cho lão tướng. Rồi đó, nhè nhẹ rút thuốc lá mời. Sáu Thủ thở
khói, ông rất hài lòng và cảm thấy cuộc đời còn thú lắm. Ông bạn già cũng
lấy làm khoái trá, coi là vinh dự, vì giữa cái buổi phò tân phế cựu này, ông
là một con người tôn cổ, xem cái ngọn mà không muốn quên cái gốc, sống
trắng đầu mà không phụ ngày xanh. Lúc này đây, đứng cạnh ông là một
danh tướng đã trăm trận đánh trăm trận thắng, đã làm rạng rỡ cả một thế hệ
thể thao nước nhà, đã cho thiên hạ biết rằng đường ban bóng chìm ngang
dọc trên bãi cỏ đều là những đường sinh lối tử của thập bát trận đồ.
Chứ không à! Sáu Thủ của giới túc cầu Bắc Việt, người đã sinh đồng
thời với Lý Huệ Đường, Guichard thời cực thịnh, những danh thủ mà hai
mươi nhăm năm xưa mỗi lần mặc giáp lên yên là khiến ông hồi hộp, và
suốt trận đấu ấy ông là người vỗ tay hăng nhất theo những cái đánh đầu
tuyệt diệu, những cú đá lông và gài sút ngầm mạng mỡ tiền phong bên địch
thủ vững chắc như cột đồng. Hồi ấy người ta kính phục cầu thủ danh tiếng
như tôn sùng những liệt sĩ Phạm Hồng Thái, Cô Giang, Thái Học, Xứ Nhu.
Và người ta cũng yêu mến cầu thủ đại tài như hâm mộ những đào kép
tuồng: Tư Lộ, Ba Bí, Tư Đinh, Tám Long, Ba Liên, Sáu Phủ, Hai Giờ, Chín
Cưỡng...
Được kết thân với những bậc đế vương, đại tướng, hoàng hậu, công chúa
trên sân khấu, được bắt tay và cũng nghênh ngang vào bãi với Gôn Thuận,