Văn Đức Vinh hoặc Thông, Viễn, Hai, Trọng, Hiếu, hay đi với mấy tay cầu
thủ sừng kền Đồng Nai những khi họ kéo đại binh ra Bắc, ấy là những
thành tích phi thường mà các tay chơi hào hiệp ở đây cần phải gây bằng cái
khí phách trọng nghĩa khinh tài, nghĩa là phải có tư cách chơi cái trò
thượng mã để thâu nạp anh hùng làm bạn hữu.
Đã có những anh hùng ấy ở chung quanh tức là đã có một hỗn hiệu đại
vương rồi đấy.
Ông bạn già hồi ấy cũng đã chịu năm ngày tiệc lớn, ba ngày tiệc nhỏ.
Ông là con một vị đại thần. Ông có ấp lộc ở miền Kinh Bắc. Ông là Ấm
Hiển. Ấm Hiển thuở tráng niên, đã đọc thuộc lòng bộ Đông Chu Liệt Quốc,
Thủy Hử, Tam Quốc, coi ba bộ truyện ấy là cái túi khôn rộng lớn hay là
chiếc kim chỉ nam cho ông nhảy vào đời, bất chấp! Nhưng Cụ Cố chán lộc
dân, quy rồi. Cậu Ấm lại cảm thấy mình bỡ ngỡ non dại lắm, bèn không
vào đời nữa, mà chỉ đứng ở ngưỡng cửa cuộc đời, với một cô vợ cô đầu, ở
tòa nhà tây ấp lộc. Cứ chờ thứ bảy, cậu Ấm lại tạm bỏ ruộng giắt túi một
món tiền ra Hà Nội, xem đá bóng và chơi hát bộ.
Vậy, ông bạn già đã là một khán giả của túc cầu, là người hâm mộ Sáu
Thủ từ một nửa kiếp người rồi.
Hôm nay, gặp cố nhân, Ấm Hiển muốn mời ngay Sáu Thủ đi đánh chén
một bữa linh đình, nhưng than ôi, cuộc biển dâu đã phá tan hết ấp lộc phì
phiêu của cậu công tử ấy. Đến nỗi bây giờ tản cư về Hà Nội, Ấm Hiển chỉ
còn là một anh kiết xác ghiền nặng túc cầu như Sáu Thủ, chủ nhật nào ông
cũng xoay xở vỡ mặt mới có nổi tấm vé đi coi. May mà hôm nay, dư vài
đồng bạc, đãi nhau một cốc bia, một điếu thuốc lá, bạn già nghĩ rằng thế là
long trọng lắm.
Cuộc đấu đã tan. Ông bạn già cụp ô, cắp nách, theo Sáu Thủ nhảy qua
bức rào xi măng cốt sắt vào trong bãi.