Người phu trạm ấy đã vừa ho vừa lau nước mũi, mở cái hộp da trâu to
tướng nhuộm nhiều cát bụi, mồ hôi, có sợi dây da đeo lên cổ, lấy ra một
phong thư xanh, lặng lẽ ném vào thúng tiền Khải Định trước mặt tôi, rồi
quay ra. Chiếc xe nhà đen cao ngất ngưởng lại lăn trên đôi vành sắt vẹt
mòn, tiếng sắt cọ nghiến đá đường lồi lõm kêu ghê rợn trong mưa lạnh.
Lắng nghe tiếng động ở đầu càng xe bọc đồng chạm ngoài hè, và nghe
tiếng ho quen thuộc của người đưa thư bà cô mù vội hỏi:
- Có thơ đấy à? Thơ anh cả mày phải không?
Tôi quen lệ như mọi khi đọc thư người anh cả, con cô tôi ở ngoài mỏ
Uông Bí gửi măng đa về, nên từ từ bóc phong bì. Nhưng đấy là bức thư chữ
đàn bà dưới kí tên chị tôi tức là cô con gái quý của cô tôi. Tôi đọc. Hỡi ơi
đó là bức thư tuyệt mệnh, viết bằng máu và hoen nhòe nước mắt. Thì ra cô
con gái quý của cô tôi đã trẫm mình ở Hồ Tây chỉ vì chị ấy đã thất trinh, đã
có mang và gã sở vốn là một ông đốc học một trường tư thục đã ra roi giục
truy phong phi nước đại.
Thời ấy gái thâm nghiêm chỉ còn cách gỡ danh dự bằng thuốc độc, nước
hồ, mỗi khi bị phụ tình, bị cưỡng hôn hay chán đời bởi chẳng được cùng ai
tròn duyên kiếp.
Cô tôi nghe xong thư chết ngất đi, rồi ốm, rồi chết thật. Rồi sau đó, tôi
được giải phóng khỏi cái ngục tù tiền Khải Định vàng chóe, tiền xu đồng
đỏ ối xếp cao như núi bấy lâu đè trĩu mái đầu xanh tội nghiệp của tôi.
Tôi ôm bọc áo, mớ sách, đi ở nhờ nơi khác. Nhưng ngày ngày dù ở đâu,
dù đi đâu, quanh cái thành phố băm sáu phố phường chật hẹp này, tôi vẫn
gặp người đưa thư ấy. Ông ta vẫn âm thầm lặng lẽ làm cái công việc của
con chim câu sứ giả. Ông ta vẫn nhẫn nhục cần cù, câm nín, cùng chiếc xe
nhà đen cũ kĩ cao ngất ngưởng, hàng ngày đi khắp hang cùng ngõ hẻm,
phân phát những chuyện buồn vui, sầu não của muôn vạn mối tình duyên