thiên hạ, những chuyện lọc lừa xảo trá, tóc tang bỉ ổi của muôn vàn con thú
dữ đã nhờ mảnh giấy con tem, chiếc dấu bưu điện để, dẫu cách xa nhau
nghìn dặm, cũng có thể cắt hầu cắt họng nhau vì một mưu thần chước quỷ,
vì một mánh khóe sâu độc gian hùng.
Tôi đã nhớn lên dần, tôi đã bị guồng máy thời gian nhào lộn theo luật
phù trầm gớm ghiếc và tôi đã già đi trước tuổi. Vậy mà ông ta, người đưa
thư ấy, người sứ giả vô cùng nhẫn nại ấy, vẫn tháng ngày ngồi dựng đứng
trên chiếc xe nhà sơn đen cũ kĩ mòn bánh và long trục, lọc cọc lăn hoài trên
các ngả đường.
Ông ta vẫn đội chiếc mũ thuộc địa bọc vải vàng, vẫn mặc bộ tây vải ka
ki, áo cổ cứng ôm lên gáy, một dãy khuy đồng có mỏ neo và đôi chân chữ
bát vẫn lê đôi giầy săng đá. Mỗi khi đeo cái hòm da kếch sù trước ngực,
bước từ hè bên này sang hè bên kia, đế giầy săng đá lại gõ rào rạo trên
đường đá khiến trẻ con hai dãy phố xúm xít chạy theo, như là chạy theo lão
Hai Tây làm quỷ thuật, đóng đinh hai mươi phân vào lỗ mũi trước bãi chợ
Hàng Da.
Lũ trẻ xúm lấy ông ta, ông ta chẳng gạt chúng ra, cũng chẳng lộ một chút
cảm tình chi hết, bộ mặt xương xẩu, đen bóng lúc nào cũng lạnh lẽo khác
thường. Cái lưng khom gập xuống, phía ngực lủng lẳng cái hòm da, hai
cánh tay dài có khi buông lõng thõng có khi ôm đỡ chiếc hòm thư, ông ta
gục đầu mà bước trông thảm hại như con đười ươi già cô độc.
- Cám ơn ông ạ. Mời ông hãy vào xơi chén nước.
- Đa tạ ơn ông. Mời ông hãy vào nhà ăn miếng trầu cau tươi cho ấm áp.
Trời rét quá, rét buốt xương buốt tủy thế này! Đi đâu mà vội thế.
Nhưng lời dịu ngọt của cụ già đạo mạo và bà quả phụ tình duyên còn lóe
sáng trong đuôi mắt bồ câu kia cũng chẳng đủ sức đậm đà để mời được
người đưa thư âm thầm, câm nín đó uống chén nước trà, ăn miếng trầu cau.