- Hoạ may là có các cậu nói hộ cho mới xong. Này nhé, các cậu thừa
lúc nào cụ vui, nói hộ cho một tiếng. Chả hạn như là… như là Thập Bản nó
thấy nhiều người được cửu phẩm nó buồn lắm… Thập Bản nó hầu hạ đã
bốn đời quan rồi… Hì… hì…
Anh tôi vỗ ngực cương quyết :
- Được rồi. Tôi hứa là sẽ nói hộ chú. Chú đừng lo nữa. À này, tôi vừa
thấy một bộng sao sáo trên cây xoài, ở cuối vườn. Chú bắt cho tôi nhé.
Hai hôm sau, mấy con sao sáo đã vào tay anh tôi. Lại có cả một cái
lồng nữa. Nhưng hai hôm sau, và mãi mãi về sau, tôi cũng không hề bao giờ
được nghe anh tôi nói gì với cha tôi về việc xin cửu phẩm cho Thập Bản cả.
Một điều làm cho tôi thương hại mà không dám nói ra là anh tôi, tuy còn
nhỏ, nhưng cũng khéo biết lợi dụng cái « mộng cửu phẩm » của Thập Bản,
mỗi lúc cần đến lão một việc gì khó khăn. Thỉnh thoảng, anh tôi lại đề cập
đến chuyện này :
- Tối nay chú Thập ạ ! Tối nay tôi sẽ nói cho nhé. Hôm trước tôi vừa
định nói thì lại có khách vào, tiếc quá.
Và lúc nào, sau một câu hứa hẹn như vậy, thì y như là cũng phải có
một yêu sách kèm theo. Hoặc là tổ chim cần lấy này, một con chuột bạch
cần tìm mua này, một chùm đào, chùm lê cần hái v.v… Bao giờ cũng có cái
gì cần cả. Tôi càng thương hại hơn là tuy anh tôi cứ hứa suông mãi, mà lão
thì vẫn cứ tin tưởng mãi, tin tưởng mãi…
Rồi mãi mãi như thế… cho đến một ngày…
Một buổi sớm mùa đông rét mướt. Một buổi sớm mà lão phải đưa cả
gia đình tôi lên tàu để từ giã đất Thần kinh.
Đứng bên anh tôi, tựa người vào cái thanh ngang bằng đồng bóng lộn,
sau tấm cửa kính ở toa tàu hạng nhất, nhìn xuống sân ga, tôi thấy lão khóc.
Và khi tiếng còi tàu rúc lên, tôi thấy cả một bộ mặt hốc hác, thiểu não, tuyệt