nó nuôi tôi thế này là vì cái lẽ không đem vất đi đâu được chứ có phải
thương yêu gì. Đểu giả lắm !
Những lúc ông Chột ngồi thở than, kể lể với vú già như thế thì bà cụ lại
chép miệng :
- Thôi mày ạ ! Nhắc lại chuyện cũ làm gì cho nó thêm buồn, mà rồi
chúng nó biết được chúng nó càng thù ghét và cay nghiệt chứ được ích gì
đâu !
Ông Chột nhướn mắt lên bảo mẹ :
- Tức thì nói chứ sợ gì. Có mặt vợ chồng chúng nó, tôi cũng vẫn nói
như thường. Sợ quái gì. Với lại, phải nói cho vú ấy hiểu để vú thương mẹ
con ta. Vú ạ, cứ chịu khó nhé. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa. Mẹ tôi
cũng thế. Vú thương xót mẹ con tôi rồi Trời Phật phù hộ run rủi cho vú gặp
mọi sự lành. Tôi tàn tật, đau ốm lại phải phiền uất luôn luôn nên hay đổ bẳn
ra, vú nên biết cho thế. Vú đừng chấp làm gì những lời nói trái lẽ của tôi
trong lúc mất khôn vì cái đau, cái khổ, và mẹ tôi già cả lắm rồi, gần đất xa
trời rồi. Bà ấy có làm cái gì tầm bậy tầm bạ đấy thì vú chỉ la rầy qua loa cho
bà ấy biết thôi chứ đừng có mách đi, mách lại với vợ chồng thằng chó ấy
làm gì, tội nghiệp. Mẹ tôi có phải là có cái tật xấu ấy đâu. Khi nào người ta
được ăn uống no đủ phủ phê vào mà còn đổ đốn ra như thế thì mới gọi là
cái tật, chứ đằng này mẹ tôi bị đói, luôn luôn nhịn thèm nhịn khát thì lẽ cố
nhiên bà ấy phải ăn chùng. Tội bà ấy lắm. Vú hãy thương lấy mẹ tôi. Tôi có
chết xuống chín suối là vẫn còn hàm ơn vú, phù hộ cho vú trọn đời.
Và cứ mỗi khi thở than, kể lể dông dài với vú già, ông Chột không bao
giờ quên chấm hết lời tâm sự ấy bằng mấy câu :
- Này vú ! Vú xem có cái tàn thuốc nào của lão Thị vứt đấy, lượm hộ
cho tôi. Thèm thuốc quá lắm mà chúng nó chớ hề cho mình một vài xu để
mua mà hút.