MIẾNG NGON BÊN XÁC CHẾT
TỘI nghiệp ! Anh ta chỉ ăn có một đĩa xôi và mấy miếng ram, chứ
chẳng hề động đến thứ gì khác nữa !
Mắt rớm ướt, bà quán nhìn mâm cơm đãi kẻ tử tù đặt trên chiếc quả
đàn
, bảo nhỏ tôi như thế. Trong lúc nói, bà ta ngó quanh quất, tỏ dáng lo
ngại, tuy ngay sau khi tên tử tù Phùng Hoan đã cùng toán lính áp giải ra đi,
đám người đến xem đều rùng rùng ùa theo, tiến cả lên phía pháp trường dọn
sẵn trên một đỉnh gò cách đấy không xa. Cả cô con gái lớn của bà quán
cũng chạy đi nốt. Cảnh quán bỗng chốc trở lên vắng vẻ. Ngoài bà quán ra,
chỉ còn có tôi ngồi nán lại. Mâm cơm có vẻ thịnh soạn vẫn nằm yên trên
chiếc quả đàn với một đôi đũa bỏ rơi bên cạnh, một cái bánh tráng bể dập
làm ba mảnh lớn nằm kề đôi đũa, và một đĩa xôi bị khuyết một phần, đặt
trên vành mâm gỗ. Một đàn ruồi, không đông đảo lắm, lặng lẽ đổ đến,
thung thăng bò lượn trên các đĩa thức ăn còn nguyên. Ánh nắng chiều
xuyên qua cái khung tròn nhỏ trổ ở vách bên, chiếu thẳng vào mặt bàn như
soi rọi, tìm kiếm một cái gì đã mất, làm tăng thêm vẻ lạnh tanh, lạnh ngắt
của mâm cơm còn bỏ dở.
Bà quán lại buồn rầu thủ thỉ :
- Nói thế chứ ăn làm sao được hở ông. Chết đến nơi, bụng dạ nào mà
ăn được nữa… Lạy Trời, lạy Phật, tội lỗi đến thế nào chả biết, cứ thấy thế
mình… đứt ruột đi. Ông không lên xem sao. Thiên hạ họ dạn xem quá. Cả
cái con yêu, con tinh ấy nữa. Tôi đã bảo nó đừng có xem làm chi mà.
Nói xong bà quán lại lấm la lấm lét nhìn quanh, với cái dáng nơm nớp
lo sợ, về nỗi tai vách mạch rừng, đã biến thành một thói quen từ lâu.
Tôi không đáp lại. Vừa nhìn vào mâm cơm, tôi đã quay vội mặt đi.
Trong luồng ánh nắng dọi xuyên qua khung cửa tròn trên vách đất, hình ảnh
của kẻ tử tù vẫn như còn đấy. Và lúc này, hình ảnh của gã càng hiện ra đậm