đường Nhơn Nhai (đường người Tàu) ở Hội An và công việc buôn
bán ở đó, như sau:
“Hội An là nơi bến tàu tập họp hàng hóa ngoại quốc, một con
đường lớn thẳng bờ sông dài chừng 3-4 dặm, hai bên đường phố xá ở
khít rịt liền nhau, cuối đường là Nhật Bản kiều và Cẩm Phố; bên kia
sông là Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các thương thuyền ngoại quốc.
Nhơn dân trù mật, cá tôm rau quả bán tấp nập tối ngày. Hóa vật thuốc
men, những món hàng ở Thuận Hóa mua không ra, người ta đều vào
mua ở đây cả. Đại ước Hội An đông nam bắc 3 mặt gần bể, chỉ có mặt
tây một con đường núi non liên tiếp giao thông với Tây Việt và Đông
Kinh. Bởi thế cách phía tây chừng 10 dặm có đặt nha Trấn Thổ giống
như vương phủ, để phòng ngự biên cương”.
Và cứ theo lời Đại Sán ghi chép, phía hữu chùa Di Đà có miếu
thờ Quan Công rất nguy nga, và quán chi Hội quản Phúc Kiến cũng ở
đó. Đại Sán lại nhận thấy ở đây khách trú ngày càng đông đảo, đến lúc
mãn phần quá cố, bơ vơ lữ thần, nắm xương đành gởi quê người, bèn
viết một bài khuyến cáo, dặn Quả Hoằng quốc sư cùng với thương
khách Phúc Kiến đề xướng mở một vùng nghĩa địa để làm nơi chôn
cất di cốt những kiều bào bất hạnh, an giấc nơi tha hương. Ông lại
hưởng ứng lời quốc sư, làm một bài sớ văn khuyến quyên để tu bổ
chùa Di Đà. Ngoài ra Đại Sán cũng có ghi chép sự tích của một vài
Hoa kiều như sau:
1. Trong thời gian lưu trú ở Hội An lần thứ hai, Đại Sán thấy
trong bọn Hoa kiều có hai người kế nhau tạ thế. Hải ngoại kỷ sự
(quyển IV, 28a) chép rằng: “Bản chất người phương Bắc đến đây hay
sinh bệnh, vả lại, điều dưỡng không biết cách, bệnh trở nên nặng càng
mau. Trước đây vài ngày một người lính hầu Hữu Giai, người Giang
Bắc, chết ở Thuận Hóa; nay chủ Điềm Ba đường người Sơn Tả lại qua
đời ở Hội An. Tuy chết sống do mệnh trời, nhưng người cũng có
quyền di chuyển, chẳng qua vì cớ Bắc Nam bất phục thủy thổ mà ra
cả”.