Cơm nước xong, quốc vương hỏi rằng: “Trước mặt lão hòa
thượng, có thể lấy múa hát cung dưỡng chăng?” Ta bảo rằng: “Trong
mười thứ cung dưỡng, âm nhạc là một vậy”.
Vương nói rằng: “Phải thưa qua hòa thượng mới dám”. Kế khiến
gọi ra bốn, năm mươi cung nữ, người nào cũng thoa son đánh phấn,
bận áo hoa màu lục dài phết đất, đội mão vàng giống mão “Thất phật”,
hoặc tay cầm nhạc khí, quá nửa giống nhạc khí Trung Hoa, chỉ có yêu
cổ (trống eo lưng) dài độ hai thước, giữa eo nhỏ, hai đầu bằng phẳng
lớn hơn, dùng tay vỗ có tiếng vang hùng tráng, như tiếng trống đồng;
lại có thứ đàn giống đàn tranh hình vuông dài, giữa trống bỗng, giăng
bốn dây có tua, ôm trên gối để khảy62, âm vận nghe rất thanh tao.
Bọn cung nữ nhịp nhàng sắp thành hàng ngũ, âm nhạc hòa tấu; ca
nhi hát khúc Thái liên (hái sen), ngân giọng chậm rãi cho ăn nhịp với
trống đàn, vũ nữ hoa tay múa bộ như đương hái hoa sen vậy. Diễn
tuồng xong, nhà vua lấy ra năm mươi ngàn đồng tiền giao cho ta, bảo
thưởng cho “Tiểu hầu”, “Tiểu hầu” tức tên gọi đoàn “Lê Viên” (Vũ
nữ), tên nghe cũng nhã vậy.
Trong lúc nói chuyện, quốc vương thường tỏ ý tưởng nhớ Đông
Kinh (Bắc kỳ), nói Đông Kinh là đất nước bản quốc, tiên thế từng làm
rể An Nam, được phong làm phiên thần ở xứ này, dần dần trong xứ trở
nên cường thạnh; từ ấy cát cứ lập thành một nước, đổi hiệu làm Đại
Việt. Nhà vua tưởng nhớ Đông Kinh, cũng như người ở đất Khúc Ốc
làm bài thơ Tiêu liêu để tỏ lòng tưởng nhớ nhà Tần vậy.63
Mỗi lúc vấn đáp, thông ngôn phiên dịch thường hay sai lầm, nên
ngày ấy không nói chuyện nhiều.
Hỏi: Nhà ở được yên chăng?
Trả lời: Chật hẹp tối tăm, không được khoan khoái.
Hứa đến ngày mồng ba, sẽ khiến người khởi cất phương trượng
mới.
Bèn từ biệt lui về, làm năm bài thơ Thiền Lâm tức sự như sau:
Bài thứ 1
Mịt mờ mây khói ám hoa cung,