Thiết nghĩ:
Người xưa làm thơ để hưng khởi lòng người (khả dĩ hưng), để
xem xét phong tục (khả dĩ quan), trong thơ phần nhiều ghi tên những
cây cỏ chim muông, chẳng qua để ngâm vịnh tính tình, sao cho “tư
tưởng không quấy” (tư vô tà) là được. Đáng quý nhất là ý thơ trung
hậu, đáng khinh nhất là lối văn phù hoa; chẳng khá lấy văn hại lời, lấy
lời hại ý vậy. Huống “Bồ đề”, “Ma ha”, “Bát nhã”, nguyên lai chẳng
có vật gì hết. Ma ha không có vật, ấy là không “trăng” vậy. Bồ đề
không cây, há có “trăng” hay sao? Bát nhã không buồm, há có gió hay
sao? Chẳng qua người làm thơ lấy chữ gió để tượng trưng “thanh
lương” (trong mát), lấy chữ “trăng” để tượng trưng “viên minh” (trong
sáng), cốt để hình dung cái tính sắc sắc không không vậy. Há có trăng
thật gió thật, mà chúng ta phải bàn “Bồ đề”, “Ma ha”, “Bát nhã”, chữ
này đáng dùng, chữ kia không đáng dùng. Người xưa nói rằng: “Ma ha
là bản thể chơn như, lớn không ngoài, nhỏ không trong, trời chẳng hay
che, đất chẳng hay chở, sáng sủa soi khắp mọi nơi”, lại nói rằng: “Ma
ni hiện thành ngũ sắc, mặt trăng phát ra vành sáng”, đều là trực chỉ
toàn để mà nói, chẳng phải thiên lệch nói trống không. Tôi dùng chữ
“trăng Ma ha” là vì lẽ ấy.
Nay nhơn lão hòa thượng dạy cải chính, nên phải biện bạch, chưa
biết có phải vậy chăng? Xin lượng trên chớ quở trách, thật tôi đã gánh
nước bán cho biển vậy. Vốn nghe Đại Viên Giác, cao phong độ thế,
thiện đạo giúp người, dám bày thiển cận đôi lời, mong lượng khoan
hồng tha thứ. Nay mai xin đến bái yết, ngõ được nghe lời dạy bảo cao
minh. Giấy vắn tình dài, tạm xin gác bút.
Thơ rằng: (Điệp vận bài trước)
Nho Thích xưa nay vẫn khác dòng,
Mặc dầu dòng khác vẫn tương thông.
Chiếc thuyền cửa Pháp vành trăng tỏ,
Tay lái nhà nho ngọn gió lồng.
Rộng mở cửa thiền gương sáng chói,
Gạn khơi sông Tứ nước xanh trong.