Biết mẹ tuổi Dần, bên nội tôi có vẻ “ớn”. Không hiểu vì sao người ta có
thành kiến với con gái tuổi Dần. Đêm, cô dâu vào động phòng hoa chúc có
một nhánh xương rồng và khúc giò heo treo bên ngoài để trừ ếm “cái dữ”
của tuổi Dần. Nghe mẹ kể, tôi trách ba, ba phân bua:
- Ba đâu có biết cái gì đâu! Nhiệm vụ của ba là làm... chú rể, mấy cái vụ
đó ông bà già xưa bày đặt. Mà sao mẹ mày nhớ dai dữ?
Nói vậy chứ ba cũng có ác cảm với tuổi Dần của mẹ, những lúc gia đình
khó khăn, chẳng biết đổ thừa vào đâu, ba lại nói: “Lấy vợ tuổi Dần làm ăn
không khá!”. Hoặc lúc tranh luận không lại, đuối lý, ba châm chọc: “Đúng
là đàn bà tuổi Dần!”
Bà ngoại tôi cũng tuổi Dần và cũng có một cuộc sống gia đình không êm
ả. Người đời hay nhạo “Tuổi Dần hai chồng” như chê bai bà không thể ở
vậy để thờ chồng nuôi con. Mẹ tôi không bao giờ trách ngoại điều này, chỉ
tủi bà ngoại có tới chín đứa con trai nhưng vẫn không mấy tha thiết với đứa
con gái duy nhất là mẹ. Vậy mà những lúc cơ nhỡ, chính mẹ là người đứng
ra giải quyết những khó khăn trong nhà ngoại. Mẹ thương ngoại phải qua
hai lần đò, còn trẻ chịu nhiều thị phi, phải sống xa mấy đứa con của người
chồng trước.
Mỗi lần Tết đến bà cô cho phép mấy anh em của mẹ về quê thăm bà
ngoại - Mẹ hồi tưởng - Lúc quay về, mấy mẹ con bịn rịn không muốn xa.
Bà ngoại đứng nơi bến tàu nhìn hút mắt con đò rời quê. Mắt ngoại trào
nước, đau khổ quặn lòng.
Bao nhiêu năm trôi qua, tuổi già đổ ập xuống với ngoại rồi mà bà vẫn còn
khổ. Khổ vì vật chất do cuộc sống đã đành, khổ vì con cái nông dại mới làm
bà quay quắt hơn.
Mẹ tôi không bao giờ muốn rằng con gái mình sanh ra vào năm Dần.
Nhưng chị tôi rốt cuộc lại rơi vào tuổi cọp cái. Có điều chị tôi không hề bị