nơi nào, miễn tránh khỏi được các trận bom đạn của Cộng Sản thì đó là
điều mà họ mong mỏi.
Tại Bộ Chỉ Huy của Sở Mật Thám Pháp ngày xưa, Joseph được một
viên Sĩ Quan An Ninh với gương mặt cú vọ, vẫn còn mang sắc phục,
đưa đi qua các khu nhà giam trước khi đến mở cửa phòng giam đặc biệt
cho Joseph. Joseph phải đứng chờ để biết chắc người Sĩ Quan An Ninh
này không theo dõi mình và biết chắc các ống nghe và máy thu hình lén
được tắt hết, rồi mới bước vào. Lúc vào đến bên trong, Joseph phải
đứng thẫn thờ một lúc để đè nén cơn kinh hoàng trước vẻ tiều tụy của
Đào Văn Lạt, sau đó Joseph đến quỳ bên cạnh Lạt mười lăm phút để
nói cho Lạt biết chuyện của mình. Lúc đầu cựu nhân viên OSS này
dùng tiếng Pháp, rồi tiếng Việt và sau cùng bằng tiếng Anh để nói với
người tù nhân tại nơi này.
Joseph đã bước đi, bước lại trong phòng giam này một lúc thật lâu,
cố phấn đấu với nỗi tuyệt vọng đang dâng trào trong lòng mình. Bỗng
dưng Đào Văn Lạt cất tiếng nói. Anh ta vẫn ngồi yên ở vị trí cũ, không
buồn ngẩng đầu lên, tiếng Lạt thật nhỏ, đến nỗi thoạt tiên Joseph không
biết có phải là mình đang trong cơn mộng tưởng hay không.
— Ngay nếu như Tuyết là con của ông, thì tại sao tôi phải giúp ông?
Nhận được tiếng nói của Đào Văn Lạt, Joseph vùng chạy đến quỳ
xuống bên cạnh Lạt. Anh chăm chú nhìn vào gương mặt của Lạt rồi
nghẹn ngào. Joseph nắm lấy tay Lạt:
— Bảy năm trước đây, người ta đem tôi tới đây để nhận diện anh,
Lạt, anh còn nhớ không? Tôi đã nhận ngay ra anh từ lúc đầu, và anh
cũng nhận ra tôi, nhưng đường đời của chúng ta đã từng gặp và biết
nhau từ trước và tôi thấy tôi không thể nào nói cho họ biết anh là ai
được. Anh đã cứu mạng tôi khi tôi bị rớt phi cơ, các nhân viên y tế OSS
của tôi đã cứu sống mạng của Hồ Chí Minh, chúng ta đã từng chung
lưng chiến đấu bên nhau một thời gian và khó mà quên đi được những
điều này.