Giao long thuyền dễ dàng đâm sâu mũi giáo vào thân Lâu thuyền khi cận
chiến. Ngạnh của mũi giáo có nhiệm vụ giữ Giao long thuyền dính chặt vào
Lâu thuyền. Độ dao động của hai con thuyền trên mặt nước sẽ tự sinh ra
hủy lực đủ mạnh, phá rộng lỗ thủng Lâu thuyền và nhấn chìm nó. Nếu Giao
long thuyền chất đầy rơm rạ, cỏ khô (những thứ phẩm của ruộng đồng), nó
sẽ trở thành một trong những quả thủy lôi nguyên thủy. Âu Lạc đã kết hợp
lao động với vệ quốc nhịp nhàng và uyển chuyển như thế. Đuổi được giặc
dữ hay không, chính là nhờ những người nông dân chân đất vác cày ra trận.
Họ luôn sẵn sàng chấp nhận hy sinh tính mạng của mình và mãi mãi ẩn
danh dưới cái tên chung Âu Lạc anh hùng.
Ngày rót đồng vào khuôn là một đại lễ của Âu Lạc. Chín ông trâu
được ngả thịt tế trời. Mười tám cụ cóc vàng hiến tiết đổ vào nồi đồng nóng
chảy, để hồn thiêng sông núi tụ về trong trống. Mười tám cặp nữ - nam quì
sau lưng Trưng Trắc, A Thi và bảy trưởng lão M’linh, tất cả khấu đầu khi
trống đồng khắp các buôn làng tấu lên trời tâm nguyện tự do thiêng liêng
của người Âu Lạc.
Hợp kim đồng nóng chảy lóa mắt được rót vào khuôn. Các ống tre
thông hơi cắm sâu tận đáy khuôn phả khói trắng như hơi thở dịu dàng của
mẹ đất. Không hề có tắc nghẽn xảy ra. Khi nước đồng thừa tràn qua mặt
khuôn cũng là lúc từng nét mặt người Âu Lạc dãn ra, hạnh phúc rạng ngời.
Họ sẽ tiếp tục lễ hội chín ngày chín đêm để chờ hồn đất nước, anh linh tiên
tổ lắng vào thân trống.
-----
Việc Trưng Trắc mời A Thi quì cạnh bà trong buổi lễ đúc trống đồng,
dân M’linh khá bất ngờ, nhưng nhất thời họ chưa phản ứng vì không khí
quá thiêng liêng. Muôn đời nay người đàn ông không có vai trò chính trị
trong các gia tộc. Còn trai trẻ họ phải làm những công việc nặng nhọc.
Được chọn làm chồng, ban đêm họ đến ở nhà vợ, ban ngày vẫn phải trở về
nơi chôn nhau cắt rốn cày ải, trồng tỉa, săn thú, đánh cá... Khi già cả, họ