được họ hàng ruột thịt nuôi nấng, nhưng cũng chỉ như cái bóng, ít người
tôn trọng. Con của họ coi cha như người dưng vì họ không nuôi nấng, giáo
dưỡng chúng. Nếu chết trẻ, em trai của họ phải thay anh làm chồng chị dâu.
Thậm chí ở những vùng xa xôi hẻo lánh, chẳng may vợ chết, họ được liệt
kê trong danh sách tài sản sẽ được phân chia cho các hàng thừa kế.
Tô Định đã lợi dụng tấn công luật tục đặc thù này như một nhược
điểm của người Âu Lạc. Đó là lí do nhiều trung niên xung quanh Long
Uyên ngả theo y, trở thành tay sai trong đội ngũ quân Hán.
Chẳng phải ai cũng có cái nhìn sáng suốt như Trưng Trắc. Bà nhận ra
rằng thói tục trọng nữ khinh nam không còn hợp thời nữa. Xóa bỏ bất công,
sức mạnh nội tại của Âu Lạc mới có cơ hội khởi sắc. Sức mạnh tự thân là
yếu tố quan trọng nhất để một cộng đồng, một quốc gia khẳng định tiếng
nói của mình.
"Hỡi các chị em!" - Trưng Trắc hô hào phụ nữ M’linh - "Hãy trả lại
cho đàn ông quyền lực của họ. Họ sẽ cùng chúng ta bảo vệ mảnh đất này
khỏi lũ sói hung ác phương Bắc. Hãy tưởng tượng một mai bọn tóc dài mặt
trắng kia làm chủ M’linh. Số phận của tất cả chúng ta cũng như nhau mà
thôi. Đàn ông trở thành nô bộc, lính đánh thuê. Đàn bà trở thành con hầu,
vợ lẽ, suốt đời ẩn mặt trong chái bếp".
Già Mị, bà thầy mo uy tín nhất M’linh kiên quyết phản đối ý tưởng
quá mới lạ của thủ lĩnh. Gia đình nào nghe lời Trưng Trắc ban ngày giữ con
rể ở lại, liền bị thầy mo đến trước cửa hát sử thi đưa tang. Người Âu Lạc tin
rằng ma quỉ sẽ nương theo những lời ca huyền bí, gieo rắc bệnh tật, ốm
đau, thậm chí bắt cả linh hồn người ta.
Già Mị chỉ tránh xa nhà rông Lạc tướng. A Thi bắt đầu lưu lại đây
thường xuyên hơn. Thầy mo và Lạc tướng là hai khung cốt độc lập, cùng
nâng đỡ đời sống cộng đồng của xứ sở này. Nếu Già Mị tự xưng là sứ giả
mà thần linh gửi đến nhân gian thì Trưng Trắc được cho là con trực huyết