"Người Hán cút đi! Người Hán cút đi!..." - Không ai bảo ai, biển
người Âu Lạc thét vang. Hán quân xanh mặt. Tô Định nổi da gà. Y biết nếu
y thốt ra một lời nữa thôi, chín chiếc Giao long thuyền gắn giáo nhọn trên
mũi sẽ xông vào xé xác đoàn Lâu thuyền Hán. Hàng ngàn cung thủ sẽ tưới
mưa tên vào Hán quân. Lao dài, giáo nhọn sẽ xiên Tô Định như xiên cá.
Tô Định đứng cao hơn A Thi và Trưng Trắc vì Lâu thuyền là một
phương tiện thực dân đồ sộ để đi biển lớn, đến xâm lăng chiếm đóng những
mảnh đất giàu có và hiền lành như Âu Lạc. Nó khác hẳn Giao long thuyền
mộc mạc hiền hòa, chỉ dùng đối phó với sông nước bất trắc, chứ không
phải đối đầu với bọn xâm lăng man rợ.
Song, độ cao vật lý chỉ là tương đối. Tô Định thấy mình nhỏ bé và quá
hèn mọn trước Trưng Trắc, A Thi hoặc bất cứ chiến binh Âu Lạc nào. Nếu
có phép thuật, có lẽ y đã biến thành một con kiến, nhảy xuống biển hồ Lãng
Bạc, bám vào cọng rác nào đó để trốn chạy về Long Uyên.
Trưng Trắc dễ dàng đọc được nét mặt thất thần của Tô Định. Tuy vậy,
bà không muốn thấy máu chảy trong ngày sinh nhật Mẹ Tổ cao quí. Bà tin
rằng một thủ lãnh khôn ngoan là người biết tránh xung đột khi chưa cần
thiết. Bà mong mỏi hóa giải sức mạnh của đế quốc Hán, hơn là quan tâm
đến chiến thắng nhỏ nhoi trước mắt.
Do đó, cái nhìn của Trưng Trắc hướng về Tô Định vừa mạnh mẽ kiên
quyết, vừa dịu dàng hòa hoãn. Tô Định cố bấu víu vị thế vượt trội của Hán
tộc trong ý thức chủ quan của y. Vẫn chưa hết run sợ cùng với đám Hán
quân đang run rẩy sau lưng, Tô Định đành bất lực khoát tay ra hiệu Lâu
thuyền quay bánh lái rút lui.
Khi đoàn Lâu thuyền chỉ còn là những chấm nhỏ cuối tầm mắt, mặt
biển hồ Lãng Bạc vẫn dội lên lời hờn căm: "Bọn xâm lược Hán cút đi...
Bọn xâm lược Hán