đặt ra những khái niệm xuyên suốt và tiếp nối: Giao Chỉ (vùng đất tiếp giáp
phía nam Hoa Hạ), Cửu Nghi/Cửu Chân (gốc của mặt trời, xích đạo), Nhật
Nam (bán cầu nam).
Người Hán mường tượng khái niệm Nhật Nam trên logic nếu đi về
phương nam, qua gốc mặt trời (Cửu chân/ Xích đạo), đến một nơi nào đó,
bóng mặt trời sẽ nằm ở phía nam của mọi vật. Khi ấy nếu xây nhà cửa, để
đón ánh nắng ấm áp, người ta phải quay cửa chính về phía bắc.
Quá trình chuyển hóa khái niệm thành địa danh cố định cũng là quá
trình nam tiến, bành trướng của văn minh Hoa Hạ về phương nam.
-----
Lại nói về Tô Định khi đến Hợp Phố, thần hồn nát thần tín, đổ bệnh
liệt giường. Quân Hán vỡ mật chết không ít. Bọn Thái thú phương nam
nghe tin rụng rời, lệnh đóng cửa biên giới, cắm trại chỉnh đốn sĩ khí. Ngựa
trạm báo gấp về triều, Quang Vũ điên tiết đập vỡ một cặp lục bình men quí
cạnh thư án.
Mãi đến mùa hạ năm 41 Tô Định mới rón rén vào thành Lạc Dương.
Y tự trói và nộp mình dưới bệ rồng. Hôm ấy trời nóng bức, đêm trước
Quang Vũ lại quá chén và bày trò ca múa khuya khoắt với mỹ nữ nên thần
thái rất kém. Trong người uể oải, vua bèn phất tay đuổi Tô Định ra. Số là
Tô Định từng thông đồng với Thái thú Hợp Phố và Nam Hải, bớt xén của
ăn cướp từ Âu Lạc, chia chác với nhau. Khi bại trận, y phải trút hết hầu bao
đút lót những người xung quanh Hán Quang Vũ, mong tránh họa tru di.
Vương thái giám bị mua chuộc, đã cắt cử một vũ đoàn toàn gái đẹp bắt từ
Lĩnh Nam, rút hết sinh lực hoàng đế trước khi cho Tô Định vào.
Cuối cùng, nhờ Vương thái giám khéo che chắn, tâng công Tô Định đã
dâng nhiều của ngon vật lạ từ Âu Lạc suốt mấy năm, Hán Quang Vũ tha
chết, chỉ phế y về làm thứ dân, đuổi ra khỏi kinh thành.