liệt. Cuối cùng chỉ có Lạc tướng Vô Thiết, Dư Phát và Vô Biên đoàn kết
xung quanh Đô Dương.
Lực mỏng, người thưa, Đô Dương vẫn cố gắng qui tụ được gần một
vạn chiến sĩ và năm trăm Giao long thuyền. Ông chỉ có hơn một năm chuẩn
bị nhưng dựng được hai chiến lũy tại Dư Phát và Cư Phong, cùng một căn
cứ sâu trong rú ngàn. Chu Bá là dũng tướng mà Đô Dương hết lòng dạy dỗ,
nâng đỡ. Năm 42, Đô Dương đem quân ra bắc theo lệnh Trưng vương, Chu
Bá ở lại giữ Cửu Chân.
Tháng mười năm 43, Mã Viện tiến vào Cửu Chân, Chu Bá ngoan
cường chống cự, quyết không hàng. Hán quân tổn thất nặng nề. Chiến lũy
Dư Phát vỡ, Chu Bá bỏ vào rừng sâu trường kì kháng chiến đến cuối đời và
lạc mất giữa dòng lịch sử Việt Nam. Tên tuổi ông hiện vẫn khiêm nhường
và ít được mọi người biết đến.
Đô Dương bám trụ ở Cư Phong không được lâu. Mùa đông năm 43,
gia tộc cùng tay chân thân tín của ông buộc phải lên thuyền, nương theo gió
mùa đông bắc ly hương xuống phía nam. Có thể Đô Dương chính là Thái tổ
của người Minangkabau hiện cư trú tại Indonesia và Malaysia. Cộng đồng
thị tộc mẫu hệ ấy vẫn nhắc nhở nhau rằng, tổ tiên họ từng căng buồm tìm
kiếm tự do từ một vùng biển Việt Nam. Lối sống và sinh hoạt của họ dù trải
qua gần hai ngàn năm, vẫn có gì đó tương đồng đến kinh ngạc với thời đại
Hai Bà Trưng. Các ngôi nhà sàn có mái hình Giao long thuyền Đông Sơn
vẫn ngạo nghễ trước mưa gió nam đảo. Một trong những câu chuyện dân
gian nổi tiếng nhất của người Minangkabau là sự tích nghé giết trâu.