Lòng Trưng vương ngổn ngang. Bà không đủ sức mạnh nội tại như
một trang nam nhi để lãnh đạo vương quốc trẻ tuổi này. Bà bất giác muốn
được như Lucius của La Mã. Theo trần thuật của các thương nhân Ả Rập,
cách thời đại Trưng vương gần năm trăm năm, La Mã cộng hòa đứng trước
nguy cơ diệt vong. Các bô lão đã yêu cầu trại chủ Lucius cầm quân vệ
quốc. Lucius phải bỏ lại quê nhà chiếc cày đã lên nước bởi mồ hôi của ông
để ra trận. Sau nửa tuần trăng, quân thù sạch bóng, ông thanh thản trở về
công việc đồng áng.
Lucius là biểu tượng cho sự chính trực và đức hạnh của chính trị gia.
Trưng vương đồng cảm với nhân vật này, bản thân bà cũng không thèm
khát quyền lực. Tô Định chạy rồi, bà chỉ muốn trở lại M’linh, làm một
người mẹ, người vợ truyền thống. A Thi nhận ngôi vương, hay bất kỳ Lạc
tướng nam giới nào khác, bà cũng thuận theo. Sự mê tín vào hào quang
chiến thắng dưới tên tuổi Trưng Trắc của đông đảo quần chúng, đã không
cho phép bà thoái lui. Trưng Trắc mắc kẹt ở đấy như một Giao long bị ném
vào rừng thẳm, thả trên núi cao.
Quả thật A Thi thông tuệ, mạnh mẽ và sắc sảo hơn bà. Ông không cần
dẫn chứng gã Lucius xa xôi đó. Ông bảo vợ rằng, tổ tiên của họ đã có
Lucius trước cả người La Mã nhiều thế kỷ. Đó là Thánh Gióng, là Phù
Đổng Thiên Vương của Âu Lạc. Câu chuyện đa tầng, đa nghĩa đâu kém
những gì những thương nhân đã kể. Trước giặc Ân tham tàn, cậu bé Gióng
ba tuổi của làng Phù Đổng đã vụt lớn lên, nhận trách nhiệm xông pha nơi
đầu tên ngọn lao. Giặc tan, ngài không đánh bóng mình và thực thi tư tưởng
công thần. Ngài cưỡi ngựa, bay thẳng lên trời. Thiên anh hùng ca ấy đẹp
hơn bất cứ một tuyệt tác La Mã nào.
Đáng tiếc là đa số quí tộc và bô lão Âu Lạc không nhìn thiên anh hùng
ca Thánh Gióng như cách của Trưng vương và A Thi. Giáp mặt quân thù ai
cũng cần chính nghĩa, quyết tâm, ý chí và dũng cảm, còn với quê hương
hòa bình, phải thêm đức hy sinh lợi quyền bản thân và dòng tộc.