nói. Không giống như đêm nay gã trò chuyện với người phụ nữ phức tạp,
nồng nàn này.
Cuối cùng, cô nói thô bạo, giận dữ. “Chà, em không thể. Sao em đi
được? Em đã nói với anh về hộ chiếu và giấy tờ xuất cảnh của em.”
“Còn anh đang nói này. Em không phải lo lắng chuyện đó. Anh có những
mối quan hệ.”
“Thật không?”
“Mấy người tại Mỹ nợ anh một ân huệ.” Việc này thì đúng. Gã nghĩ đến
Avery và Manielli tại Amsterdam, luôn sẵn sàng mang máy bay đến đưa gã
đi bất kỳ lúc nào. Rồi gã hỏi cô, “Ở đây em còn ràng buộc nào không? Em
gái em thế nào?”
“Chà, em gái em… Con bé kết hôn với một kẻ trung thành với Đảng. Nó
còn chẳng buồn gặp em. Em là một nỗi xấu hổ.” Một lúc sau Käthe nói,
“Không, ở đây em chỉ còn những bóng ma thôi. Và những bóng ma không
phải là lý do để em ở lại. Mà là những lý do để em ra đi.”
Bên ngoài, vang lên những tiếng cười và quát tháo của kẻ say. Một giọng
đàn ông líu nhíu cất tiếng hát, “Khi Thế vận hội này kết thúc, lũ Do Thái sẽ
cảm thấy lưỡi dao và họng súng của chúng ta…” Sau đó là tiếng kính vỡ.
Một ca khúc tiếp theo, lần này vài giọng hát cùng hòa ca. “Giơ cao băng
rôn lên, xiết chặt hàng ngũ. Đoàn quân SA diễu hành với những bước chân
vững chắc. Tránh ra, nhường đường cho những tiểu đoàn áo nâu, khi lực
lượng Xung Kích quét sạch đất này…”
Gã nhận ra ca khúc Đoàn thanh niên Hitler đã hát hôm qua, khi chúng hạ
cờ tại làng Thế vận hội. Những chiếc thập ngoặc hình móc câu ba màu đỏ,
trắng và đen.
Chà, anh biết rồi còn hỏi…
“Ôi, Paul, anh có thể thực sự đưa em rời khỏi đất nước này, không cần
giấy tờ ư?” ,
“Đúng. Nhưng anh sẽ đi sớm. Đêm mai, anh hy vọng thế. Hoặc đêm
ngày kia.”
“Làm thế nào?”
“Chi tiết để sau hẵng nói. Em có sẵn sàng bỏ đi ngay lập tức không?”