chiến tranh Ernst tuân thủ trong việc lên kế hoạch quân sự chiến lược, đó là
“tia chớp.” Tức là hắn phải di chuyển thật nhanh đến mức kẻ thù không kịp
phòng bị, ngay cả khi kẻ thù mạnh hơn. Tên Đại tá lao ầm ầm đến văn
phòng Lãnh tụ sáng sớm nay, sắp đặt âm mưu của mình và trình ra những
tài liệu giả mạo.
“Chúng ta sẽ nghiên cứu triệt để chuyện này,” Hitler lên tiếng, bước đến
tự rót cho mình một cốc sô-cô-la cùng mấy lát bánh mỳ nướng trên đĩa.
“Nào, Hermann, còn mảnh giấy của cậu thì sao? Cậu tìm ra được điều gì
thế?”
Với một nụ cười hướng về phía Ernst, người đàn ông cao lớn không chịu
thừa nhận thất bại. Thay vào đó, lão lắc đầu rồi đáp với cái nhíu mày quá
mức “Tôi đã nghe nói đến nỗi lo âu tại Oranienburg. Sự thiếu tôn trọng đặc
biệt đối với các lính gác tại đó. Tôi lo lắng về khả năng xảy ra những cuộc
bạo loạn. Tôi cho rằng nên có những đòn trả đũa. Những đòn trả đũa nặng
nề.”
Chuyện này thật ngớ ngẩn. Đang được tái thiết mở rộng với lao động nô
lệ và mang tên khác là Sachsenhausen, trại tập trung này được bảo đảm
tuyệt đối, không có cơ hội để xảy ra bạo loạn ở bất kỳ hình thức nào. Các tù
nhân giống như những con thú bị giam nhốt, cắt hết móng vuốt. Những lời
nhận xét Göring vừa đưa ra chỉ nhằm một mục đích: không gì khác ngoài
trả thù, khiến Ernst phải chịu trách nhiệm trước cái chết của hàng loạt
người vô tội.
Khi Hitler cân nhắc chuyện này, Ernst vô tình nói, “Tôi có biết chút ít về
trại tập trung, thưa Lãnh tụ, và Bộ trưởng Hàng không đã nói đúng vấn đề.
Chúng ta phải hoàn toàn chắc chắn rằng không có sự bất đồng quan điểm.”
“Nhưng… Ta cảm thấy có sự dè dặt, Đại tá,” Hitler nói.
Ernst nhún vai. “Tôi chỉ tự hỏi có phải sẽ tốt hơn nếu thực hiện các biện
pháp sau kỳ Thế vận hội. Rốt cuộc thì trại tập trung cách làng Thế vận hội
không xa lắm. Đặc biệt là khi xuất hiện các phóng viên nước ngoài trong
thành phố, vì có thể sẽ rất khó khăn nếu chuyện này đồn ra ngoài. Tôi nghĩ
nên giữ bí mật về trại tập trung một cách tốt nhất có thể, rồi sẽ tính sau.”