“Mày ở đâu thế, Paul Schumann?”
Giống như câu hỏi của ông hôm qua dành cho nghi phạm lúc đó còn nặc
danh - Mày là ai? - Willi Kohl hét to và trong cơn phẫn nộ, không hy vọng
sẽ có được ngay câu trả lời. Viên thanh tra đã nghĩ rằng việc biết được tên
hắn sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ vụ này. Nhưng không phải.
Kohl không nhận được câu trả lời nào cho các bức điện tín gửi đến Cục
Điều tra Liên bang Mỹ, cũng như ủy ban Olympic Quốc tế. Có chăng là câu
trả lời ngắn ngủi của Sở Cảnh sát Thành phố New York nói rằng họ sẽ chi
xem xét vấn đề này “khi thích hợp”.
Kohl không quen với từ này, nhưng khi tra trong từ điển Anh - Đức của
phòng, một cục tức dâng đầy mặt ông. Suốt năm qua, ông đã cảm thấy sự
miễn cưỡng từ phía các nhà thi hành luật pháp Mỹ khi cộng tác với Cảnh
sát Hình sự Đức. Một phần nguyên nhân do mối ác cảm dành cho Quốc Xã
tại Mỹ. Ông tin rằng một phần nữa có thể bắt nguồn từ vụ bắt cóc đứa bé
tên Lindbergh. Bruno Hauptmann đã thoát khỏi nơi giam giữ của Cảnh sát
tại Đức, sau đó trốn sang Mỹ, nơi hắn sát hại đứa trẻ.
Kohl đã gửi bức điện tín ngắn thứ hai bằng thứ tiếng Anh vụng về của
ông, cảm ơn NYPD và nhắc họ về tính khẩn cấp của vấn đề. Ông cảnh báo
các lính gác vùng biên giữ Schumann lại nếu gã cố gắng bỏ trốn, nhưng lời
cảnh báo chỉ tới được những điểm giao nhau chính.
Chuyến đi thứ hai của Janssen đến làng Thế vận hội cũng không thành
công. Paul Schumann không có mối liên hệ chính thức nào với đội tuyển
Mỹ. Hắn phải đến Berlin với tư cách một ký giả tự do. Hắn rời khỏi làng
Thế vận hội một ngày trước đấy và không ai còn trông thấy hắn kể từ đó,
cũng như không ai biết hắn có thể đi đâu. Cái tên Schumann không nằm
trong danh sách khách hàng mua đạn Largo hoặc súng Modelo A gần đây.
Nhưng điều này không gây ngạc nhiên, vì hắn chỉ đến cùng đội tuyển vào
ngày thứ Sáu.
Ngồi đu đưa trên ghế nhìn qua hộp đựng vật chứng, đọc lại những ghi
chép bằng bút chì… Kohl ngước mắt lên, thấy Janssen dừng lại ở ngưỡng
cửa đang nói chuyện với mấy trợ lý thanh tra trẻ tuổi mặc thường phục
khác và các thanh tra học việc.