Vì vậy theo tinh thần của đạo Phật, chúng ta phải xem tất cả mọi người chung
quanh mình, lớn hơn ta là cha mẹ ta, ngang bằng ta là anh em ta, nhỏ hơn ta là con cháu
ta. Có nghĩa ai cũng là người thân của ta hết. Mà đã là người thân thì không có quyền
thương người này, bỏ người kia, nghĩ xấu hay đối xử không tốt với người thân của mình.
Vì như vậy là bất hiếu, bất nghĩa đối với cha mẹ, quyến thuộc rồi. Người Phật tử phải là
người giữ đạo hiếu chứ không phải người bất hiếu. Nếu là người bất hiếu thì không xứng
đáng là người Phật tử. Người giữ đạo hiếu thì đối với tất cả chúng sanh đều thương yêu
bình đẳng, không phân biệt thân sơ. Như vậy là áp dụng đúng tinh thần đạo Phật trong
đời sống của mình.
Qua đó, chúng ta thấy trong nhà Phật nói đến hiếu đạo là nói đến một bài kinh,
một phương pháp sống, nói đến huyết mạch của chúng ta. Đạo hiếu thành tựu thì chúng
ta có thể thành tựu tất cả những phương pháp tu hành khác. Đạo hiếu không thành tựu,
mà muốn thành tựu những phương pháp tu hành khác như thành Phật, thành Tổ thì điều
này giống như nấu cát muốn thành cơm vậy.
Trong nhà thiền có câu chuyện này:
Tổ Hoằng Nhẫn là một vị Tổ phước tướng đặc biệt. Nhân duyên ra đời của Ngài
được kể lại thế này. Nguyên Tứ Tổ Đạo Tín đi du hóa gặp Tài Tòng đạo giả, là một vị
tăng chuyên trồng tùng trên núi. Tài Tòng đạo giả thưa với Tứ Tổ:
- Đối với Phật pháp, con có thể nghe và hành trì được không?
Tứ Tổ đáp:
- Ông tuổi đã già, dù có nghe, thâm đắc cũng không làm lợi ích được gì bao nhiêu.
Tài Tòng đạo giả thưa:
- Vậy ngài có thể đợi con được không?
Tứ Tổ nói:
- Ta sẽ cố gắng.
Nói xong Tài Tòng đạo giả xuống núi, gặp một cô gái đang ngồi giặt đồ dưới bờ
sông. Ngài hỏi cô gái: