tuệ của Phật diễn hóa trong đời. Từ các ngài mà chúng ta có thể hiểu biết, phát tâm tu
hành. Đó là người ân, người thầy của chúng ta. Đối với Pháp, tức là đối với các lời dạy
của Phật, giúp cho chúng ta kiện toàn thân tâm, có được đời sống an lạc. Lời dạy của
Ngài là những phương pháp giúp cho chúng ta qua được sông mê bể khổ. Đời sống của
Ngài cũng như đời sống của những vị Thánh đệ tử là đời sống thanh tịnh giải thoát, nên
chúng ta cần phải quí trọng, nương tựa các ngài. Chúng ta thực hiện được việc đó nghĩa
là chúng ta không gây nhân khổ thì nhất định không bao giờ có quả khổ. Đây là điều thứ
hai.
Một điểm nữa là chúng ta phải giữ gìn từng tâm niệm của mình đối với tất cả mọi
người, nhất là những vị tu hành thanh tịnh. Phật giáo Việt Nam ngày nay có nhiều hình
thức tu sĩ. Nếu bất thần quí vị thấy tu sĩ có những hành động hoặc ngôn ngữ không đáng
kính, Phật tử phải bình tĩnh, bởi vì vẫn có nhiều điều mà chúng ta đáng học và sẽ học
được từ những vị này.
Hoặc chúng ta thấy một thầy tu mặc áo vàng cũ kỹ, xốc xếch, mang cái bị cũng
không ra gì, bình bát chẳng thành bình bát. Sư đi vào phố, đến từng nhà để khất thực mà
không có nghi thức đúng với đạo Phật. Chúng ta nghĩ có lẽ ông thầy này là ông thầy giả,
liền sanh niệm bất kính. Nhưng khoan đã! Còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa học được
ở vị này. Bởi vì Phật, Bồ tát, chúng sinh, ma, quỷ lẫn lộn, làm sao biết vị đó là Bồ tát hay
là ma quỷ? Chúng ta khoan phê phán mà phải bình tĩnh. Nếu muốn phê phán về con
người ấy thì chúng ta phải có thời gian tìm hiểu rồi chúng ta sẽ phê phán. Cho nên cái
nhìn của đạo Phật là hoán chuyển, hóa giải. Chúng ta khoan kết luận mà phải thân cận để
tìm hiểu, cuối cùng rồi nhận định đúng hay sai, tà hay chính.
Trong kinh Pháp Hoa, có một vị Bồ tát tên là Thường Bất Khinh. Ngài không
thăng tòa, không nói kinh điển gì cả. Gặp bất cứ ai, ngài đều lễ lạy và nói: “Tôi không
dám khinh quí ngài, vì quí ngài đều là Phật sẽ thành”. Dù cho bị người khinh khi hoặc có
khi bị mắng nhiếc, đánh đập, ngài cũng vẫn cứ lễ lạy. Người làm được như thế thì làm
sao ta dám khinh. Vì vậy không thể nhìn ở hình thức bên ngoài mà chúng ta có thể vội
vàng kết luận được sự kiện hoặc con người nào đó, phải bình tĩnh, phải có thời gian để
suy xét. Đây là điều thứ ba.