Cuối cùng ngài cho cô biết là mẹ của cô bị đọa vào địa ngục. Không bao lâu sẽ sinh vào
nhà cô nhưng tuổi thọ rất ngắn.
Đúng như vậy, sau một thời gian, đứa tớ gái ở trong gia đình sanh được một cháu
bé. Cháu bé ấy vừa biết đói lạnh, liền khóc than nói những cảnh khổ sở vừa trải qua với
cô. Cô biết đứa bé mới sanh là mẹ của mình nên rất khổ sở. Mình là người tu hành mà mẹ
của mình không chịu tu cho nên bây giờ bị rơi vào trong cảnh con của một người tớ gái
trong nhà. Vừa mới sinh ra trong mấy ngày thì liền biết nói, rồi than khóc. Đứa bé nói
rằng, chính ta là mẹ của cô, do ngày xưa ta không biết đã tạo những nghiệp nhân xấu, hủy
báng Tam Bảo, không chịu tu cho nên bây giờ bị đọa lạc. Tuy rằng được hưởng nhờ công
đức tu hành của cô, được sinh vào trong nhà này nhưng phải làm con một người tớ và chỉ
hơn mười năm thì chết, tiếp tục rơi vào cảnh khổ.
Sau khi kể lể xong, đứa bé trông mong cô làm sao có thể cứu rỗi cho hết khổ. Cô
mới trình bày sự việc với thầy mình và xin phát nguyện: “Tất cả chúng sinh khổ đau
trong địa ngục, trong loài quỷ đói và trong những cảnh cùng cực do không biết tu tập mà
bị đọa, con nguyện thay cho tất cả những kẻ đó mà chịu cảnh khổ. Mong sao tất cả chúng
sinh đừng gây tạo những nghiệp nhân đó nữa”. Quí vị thấy, nếu là mình, mình có dám
nguyện như thế không?
Kế đến cô nguyện cho mẹ cô được chuyển sanh vào nơi an lạc, không còn những
sự khổ đau, phát tâm Bồ đề hướng về Phật mà tu hành. Điều này đứa bé có thể làm được.
Nhờ công đức của cô, người mẹ được chuyển hóa và sau khi mạng chung không còn bị
đọa vào chốn địa ngục nữa.
Khi chúng ta bị một bản án cụt ngẳn như thế, biết mình chỉ còn sống một thời gian
ngắn nữa thì chắc chắn phải gắng sức tu thôi. Đó là người biết lo cho mình và không làm
khổ người khác. Đó là câu chuyện Hiếu đạo trong kinh Địa Tạng.
Chúng ta biết khổ thì đừng gây khổ cho người khác. Như Phật tử kia biết con
đường khổ, mong muốn cho người thân của mình đừng gây nhân để phải đi vào con
đường ấy. Đó là tinh thần đại từ, đại bi trong nhà Phật.