luôn luôn kính ngưỡng. Hai là vui vẻ khi phụng dưỡng cha mẹ, nghĩa là chúng ta làm
việc này bằng tấm lòng chân thành vui vẻ. Thực hiện bổn phận bằng sự hiểu biết, đó gọi
là một người con hiếu đạo. Chứ không phải chúng ta làm việc này bằng sự bắt buộc, máy
móc hay vì một lý do hoàn cảnh nào khác. Trôi tròn đạo hiếu như vậy mới xứng đáng đạo
làm người. Ba là khi cha mẹ còn sinh tiền, có bệnh tật gì, hoặc gặp phải hoàn cảnh gì khó
khăn trong cuộc sống thì chúng ta luôn để tâm lo lắng. Bởi vì đó là bổn phận, là trách
nhiệm của chúng ta. Bốn là khi cha mẹ qua đời, việc tang lễ phải thành kính, chu tất.
Đặc biệt đối với Phật tử, là người con hiếu đạo nhất tâm hướng về cha mẹ mình thì
phải biết hướng về Tam Bảo. Chọn hoàn cảnh nào thuận lợi đối với mình nhất, chúng ta
cố gắng tu tạo công đức để hồi hướng cho cha mẹ và những người thân đã quá cố. Cho
nên trong tất cả những nghi thức có thể thực hiện được phải vừa thích hợp với nghi lễ của
thế gian, đồng thời cũng không mất đi tinh thần của Phật pháp. Nghĩa là cả đạo lẫn đời
chúng ta đều trôi tròn đầy đủ. Chủ trương đạo hiếu trong nhà Phật là làm sao vừa đơn
giản, vừa thể hiện tấm lòng chí thành khẩn thiết của mình.
Nói về hiếu hạnh, có rất nhiều điều kiện để chúng ta thực hiện. Ở đây tôi xin dẫn
một gương hiếu đạo đối với cha mẹ hồi xưa, mà cho tới bây giờ mọi người đều kính
ngưỡng nhắc nhở, đó là chuyện ông Tăng Sâm, học trò của đức Khổng tử. Ông có công
dạy cho cháu của đức Khổng tử nên người, làm nhiều việc ích lợi cho xã hội nên đời sau
tôn ông là Tăng Thánh.
Tăng Sâm người ở thành Nam Vũ nước Lỗ thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Nhà rất nghèo, ông thường đi đốn củi, cày ruộng để phụng dưỡng cha mẹ. Mặc dù khó
nhọc nhưng lúc nào ông cũng hoan hỷ, luôn làm tròn bổn phận hiếu hạnh đối với song
thân. Vua nước Lỗ nghe danh ông nên muốn ban cho bổng lộc. Nhưng Tăng Sâm tuyệt
nhiên từ chối. Ông nguyện sống bình thường, làm những công việc bình thường, tự tay
tạo phương tiện sống để nuôi dưỡng song thân. Đó là tấm gương sáng chúng tôi nêu lên
cho Phật tử noi theo. Chúng ta đừng nghĩ rằng khi nào mình phát tài, hoặc có quyền, có
tiền, chúng ta mới trôi tròn được hiếu hạnh. Trong hoàn cảnh nào cũng vậy, tùy theo
duyên, theo cảnh, theo phận của mình mà trôi tròn, không đợi và cũng không ỷ lại, chờ
mong cái gì ở bên ngoài cả. Tự sức mình làm ra, bằng tấm lòng chân thật để dâng cúng