ổn, no ấm, giúp cha mẹ có phương tiện tiêu dùng trong cuộc sống mà không phải mặc
cảm tuổi già sức yếu. Đây là một việc làm thường nhưng cũng rất khó. Bởi vì người ta
thường nói: “Hễ con trai lớn lên thì nó chỉ lo cho gia đình của nó”, tức là thương và lo
cho bên vợ. “Con gái lớn lên thì nó chỉ lo cho gia đình của nó”, tức là thương và lo cho
bên chồng, lo cho con cái. Mà đã như vậy rồi thì làm sao có thì giờ, có phương tiện để lo
lắng cho cha mẹ ruột của mình.
Về điểm này, Phật tử chúng ta phải thật khéo. Hẳn nhiên khi có gia đình thì phải
có bổn phận, trách nhiệm đối với gia đình. Song phần hiếu đạo đối với cha mẹ, đối với tất
cả những người mình thọ ân cũng không thể bỏ quên, không thể xem thường được. Nên
vừa thực hiện bổn phận đối với gia đình, đồng thời cũng phải làm tròn đạo hiếu. Người
Phật tử áp dụng được như vậy là người Phật tử tốt. Người đó có thể đem được tinh thần
Phật pháp phổ hóa trong cuộc đời này. Sống và áp dụng được như vậy thì từ con người,
từ gia đình sẽ có những ảnh hưởng tốt đối với xã hội. Dù mình không nói một lời nào hết
mà mọi người vẫn bắt chước, học và làm theo gia đình mình. Được vậy thì người con
Phật có thể báo đáp phần nào ân nghĩa sanh thành đối với cha mẹ qua hai dạng tinh thần
và vật chất.
Người Phật tử còn phải có tâm chân thành, đời sống ngay thẳng, mọi sinh hoạt đều
sáng suốt, nói làm như nhau. Thực hiện đạo hiếu cũng phải bằng tâm chân thành.
Tâm thành là sao? Ví dụ như mỗi ngày chúng ta có món ngon vật lạ gì để dâng
cho cha mẹ, nếu là lòng thành thì một chén cơm, một bát nước hay một vật dụng gì
thường thôi, ta cũng làm cho cha mẹ vui lòng. Đó là điều cần thiết. Người con Phật chúng
ta luôn sống và làm những điều chân thật. Từ đó việc giáo dục con cái của chúng ta dễ
dàng, không khó khăn. Nếu làm điều gì mà trong đó có sự ẩn khuất, tăm tối, hay do bức
bách thì e rằng việc làm đó không đưa tới kết quả tốt đẹp. Cho nên chúng ta luôn sống
đúng với tinh thần của đạo Phật là phải sáng suốt và chân thành.
Người Phật tử luôn khép mình trong nếp đạo đức và phẩm hạnh cao siêu vì vậy có
được nhiều hạnh phúc. Tiếng Pali có từ Susukham, nghĩa là: Quả là hạnh phúc !. Bởi vì
chúng ta có duyên với đạo Phật, áp dụng được đạo Phật, nên chúng ta là những thành
viên trong giáo đoàn của Phật. Mà đây là một đoàn thể có cuộc sống cao thượng, thanh