Địa ngục ở đâu? Từ tâm chúng ta. Mỗi khi chúng ta bất an, chúng ta nghĩ tưởng
làm một việc gì bất nhẫn, phi pháp thì bị địa ngục tâm hành phạt. Người con Phật chúng
ta hiểu được như vậy thì nên dừng bớt những hành động, những nghiệp tập không tốt.
Trong hiện đời, nếu chúng ta trầm lắng, yên tĩnh sáng suốt thì chúng ta sẽ nhận
biết những điềm báo trước về nghiệp quả của mình. Người xưa dạy chúng ta nói lời gì,
làm việc gì, nghĩ tưởng gì, đều phải suy xét. Nếu đó là lời nói độc, là suy nghĩ xấu, là
hành động phi pháp thì chúng ta liền dừng. Người không biết dừng thì khi quả báo đến có
kêu than, cầu cứu cũng không thể kịp.
Việc tu là phải tu ngay trong nhân, tu ngay gốc. Nếu lúc ban đầu chúng ta buông
tay, phiêu lưu rồi thì hậu quả nguy hại vô kể. Đã lỡ gây tạo nhân không tốt thì khi hậu
quả chúng ta sẵn sàng chấp nhận trả nghiệp và kiên quyết không gây nhân đó nữa. Nếu
nhận rồi lại tạo nữa thì không bao giờ hết khổ. Đó là tinh thần trách nhiệm của người con
Phật.
Trong kinh Phương Tiện Phật Báo Ân, Phật dạy: Người muốn báo đền ân nghĩa to
lớn của cha mẹ không có cách gì hơn là phát tâm Bồ đề. Bồ đề là giác, phát tâm Bồ đề là
phát tâm cầu giác ngộ, và tìm cách hướng dẫn, tạo điều kiện để cho những người thân của
mình cùng phát tâm Bồ đề nữa, đó là báo ân rốt ráo.
Kinh cũng nói: Bồ tát muốn tri ân báo ân thì nên phát tâm Vô Thượng Chánh
Đẳng Chánh Giác và dạy chúng sanh cũng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
như vậy. Phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác hay phát tâm Bồ đề tức là phát
giác tâm. Giác tâm là khi làm một việc gì, chúng ta dùng trí dụng để kiểm soát được mình.
Tâm giác nếu khai mở thì sáng suốt, sẽ vỡ lẽ ra mọi thứ. Còn đóng kín lại thì u mê ám
chướng dẫy đầy.
Vì vậy điều quan trọng là chúng ta khai mở trí giác và làm sao khuyến khích giúp
đỡ hỗ tương cho những người chung quanh mình cũng tỉnh giác. Bồ tát thường hay phát
đại nguyện: “Nếu tôi chứng được Vô Thượng Bồ Đề thì tôi sẽ làm lợi ích cho tất cả
chúng sanh, khiến tất cả được an trụ trong cảnh Đại Niết Bàn, lại giáo hoá tất cả chúng
sanh đều được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật”. Đó là một hạnh báo ân. Nghĩa là mình đã