mày suốt đấy. Mẹ thấy nó là người tử tế, đàng hoàng, lại chất phác… hay
là…”
Tôi vội vàng lảng sang chuyện khác.
***
Tôi ở nhà nghỉ ngơi ba ngày thì đã thấy thầy gọi giục lên bảo đi làm,
bệnh viện dạo này nhiều bệnh nhân vì đang có dịch sốt phát ban nên phải
tăng cường bác sĩ. Tối hôm trước ngày tôi quay lại thành phố, mẹ gọi tôi
vào buồng rồi đưa cho tôi một cái túi hồ sơ và nói:
“Mấy năm nay mẹ cứ giấu mày chuyện này. Nhưng thấy mày cứ như thế
này, tao cũng thấy có lỗi lắm. Hôm rồi lại nhận được thư của nó, mẹ nghĩ
có lẽ duyên của chúng mày còn chưa dứt. Thôi, nay mẹ trả lại mày, mày
giận hay trách móc gì tao cũng chịu. Trước kia làm thế cũng vì muốn mày
yên tâm học hành, không tơ tưởng gì tới nữa…”
Mẹ thở dài rồi lại bước ra ngoài. Tôi nhìn cái túi hồ sơ, trong lòng như
có phong ba bão tố, không hiểu sao dù mẹ chẳng nói rõ ràng nhưng tôi lại
hoàn toàn hiểu ra hết thảy mọi chuyện. Tôi mở túi hồ sơ, dốc ngược nó,
một đống phong bì đủ loại màu mè từ bên trong rơi ra. Tôi nhặt từng cái
lên, nhìn ngày gửi phong bì trên dấu bưu điện, cái nào cũng được gửi vào
tháng bảy, chỉ có năm khác nhau. Chín lá thư, mỗi năm một lá, bắt đầu từ
năm Quang Anh đi. Tám lá thư đầu đều được gửi từ nước Anh, chỉ có lá
thư gần đây nhất lại từ châu Phi, một đất nước phía Nam địa lục đen mà tôi
chưa từng nghe tên bao giờ.
Hôm ấy, tôi thức trọn đêm để đọc những lá thư Quang Anh gửi từ nước
ngoài về cho tôi, có lúc vừa đọc vừa lau nước mắt. Chín năm qua, hóa ra
không chỉ mình tôi, mà chính Quang Anh cũng không hiểu được tại sao
chúng tôi lại cứ chờ đợi nhau trong vô vọng. Tôi thì đã đành, tôi không có
một chút tin tức gì của anh, vì vậy tôi mới chờ đợi. Còn anh thì vẫn nhận
được tin về tôi, mặc dù chỉ là tin bịa đặt, nhưng tại sao anh vẫn cứ cố chấp
như thế? Anh đã từng về Việt Nam nhưng lại không dám đối mặt với tôi,
thế mà vẫn cứ viết thư đều đặn mỗi năm. Anh đã nghĩ rằng, có lẽ những lá
thư này gửi đi đều thất lạc nên mới chưa một lần nhận được hồi âm từ tôi,