con thằng Ngà thì nhục lắm bà ạ! Nghe đâu bụng nó giờ to lắm rồi, mà nhà
thằng kia nó có nhận đâu. Con với cái kiểu ấy, bỏ thì thương, vương thì tội,
đúng là chỉ bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ.” Ngoại tôi như gặp được tri kỷ,
lập tức nói một tràng.
“Con gái bây giờ chúng nó cũng quái lắm chứ có phải vừa đâu, bà nhỉ?”
Bà Phúc gật gật đầu đồng tình, rồi lại nói. “Vợ chồng thằng Quân nhà tôi
vừa bị điều ra nước ngoài công tác rồi bà ạ, có mỗi thằng Quang Anh, để
nó ở trên Hà Nội thì sợ không có ai quản nên định cho nó về đây ở với vợ
chồng tôi. Mà cái tính thằng này ngoan đấy nhưng sĩ diện với gái lắm, tôi
chỉ sợ lại bị đám con gái nó lừa thì chết.”
“Ôi dào, bà cứ lo xa! Dân thành phố nó khôn hơn người nhà quê mình
nhiều. Con gái quê mà yêu phải con trai thành phố có đứa nào được sướng
đâu.”
“Mỗi đứa mỗi phận bà ạ! Đời đàn bà con gái mười hai bến nước, gặp
phải bến nào thì cũng phải chịu bến đó. Như con Huyền nhà tôi (con gái cả
của bà Phúc), lấy chồng thành phố nhưng mà ở cái khu phố cổ, nhà chật
như cái bếp ở quê nhà mình ấy, chỗ chui ra chui vào cũng chẳng có, mà bố
mẹ, vợ chồng, con cái chui tất vào cái chỗ ấy. Nói sống ở thành phố sướng
chứ tôi chả thấy sướng tí nào cả. Chúng nó bảo mua nhà cho vợ chồng tôi ở
trên ấy rồi đón chúng tôi lên ở cho chúng nó tiện đi lại chăm sóc, nhưng mà
ông nhà tôi không thích, bảo lên ấy không có vườn tược gì, ngồi một chỗ là
đầu gối nó cứ nhũn ra. Ai chẳng thích ở gần con cái, nhưng ở quê có ao, có
vườn quen rồi, lên ấy nhìn lên nhìn xuống, nhìn trước nhìn sau chỉ có thấy
nhà với nhà, xe với xe, người với người, nhìn đến là chán. Bà nói có đúng
không?”
“Mà dân phố nó bạc lắm. Lên ấy, có hỏi đường thôi có khi cũng bị lườm,
bị quát là nhà quê ấy.” Ngoại tôi ra sức đồng tình.
“Ấy, mấy đứa con tôi đều sống ở thành phố cả đấy bà…” Bà Phúc cười ồ
lên.
“Mấy đứa nhà bà sống ở thành phố nhưng vẫn không mất gốc. Tết nhất
chúng nó về quê vẫn còn rẽ vào chúc Tết với mừng tuổi cho tôi cơ mà.”