Mùa đông trở lại, đã tới Noel. Các hãng du lịch quảng cáo chào mời
mua vé khứ hồi sang Anh, được giảm giá... Khi ra phố, đi xem chiếu bóng
với Parapine, tôi đã để ý thấy những tờ cáo thị ấy... Tôi còn vào hỏi giá
nữa.
Rồi đến bữa ăn, tôi đả động vài câu về chuyện ấy với Baryton. Thoạt
đầu lão có vẻ không quan tâm, và bỏ qua. Tưởng lão đã quên đi, thì một tối
chính lão lại nhắc đến chuyện đó và yêu cầu tôi kiếm cho lão mấy tờ quảng
cáo ấy.
Những lúc không học Anh văn, chúng tôi thường chơi bi-a Nhật Bản ở
một phòng riêng biệt, có chấn song vững chắc, nằm ngay bên trên lều của
bà gác cổng.
Những trò khéo tay, Baryton chơi rất khá. Parapine thường đánh cuộc
với lão nhưng đều bị thua. Cả buổi tối, nhất là vào mùa đông hay những
hôm trời mưa, chúng tôi thường chúi mũi trong cái phòng nhỏ ấy để khỏi
làm bẩn các phòng khách lớn của chủ. Đôi khi cũng đưa một bệnh nhân lên
cơn vào phòng nhỏ ấy để theo dõi, nhưng việc đó rất hãn hữu.
Trong khi Parapine và Baryton thi nhau trổ tài trên bàn bi-a, thì tôi
cũng chơi một trò, nếu có thể gọi là trò, thử đặt mình vào địa vị một tù nhân
trong xà lim xem cảm giác sẽ ra sao. Chả là tôi rất thiếu cảm giác. Cố gắng
lắm tôi cũng chỉ có thể làm quen với những khách qua đường thưa thớt
vùng ngoại ô. Chiều chiều ta thương cảm nhìn hoạt động chậm chạp của
những tòa tàu điện từ Paris tới, thả xuống từng tốp viên chức lù đù, qua góc
phố là họ biến mất vào đêm tối, ta không còn kịp đếm xem họ có bao nhiêu
người. Nhưng Baryton chẳng mấy khi để tôi thoải mái mơ màng. Giữa cuộc
chơi, ông ta bất thần hỏi một câu ngớ ngẩn:
- Hou do you say “không thể” bằng english, hả Ferdinand?
Tóm lại lão ta không ngừng khao khát tiến bộ. Với tất cả sự ngốc
nghếch, lão luôn gồng mình lên để hướng về phía hoàn hảo. May thay, một
cơn khủng hoảng đã giúp tôi thoát nạn. Xin kể vắn tắt sau đây.
Càng tiến sâu vào đọc Lịch sử Anh quốc, tôi càng thấy lão kém dần tự
tin và hào hứng. Đến đoạn học về các thi nhân thời Elisabeth