giờ rọi được xuống hết sân. Bởi thế cái sân như được sơn phết một mầu
lam thẫm rất dầy, nhất là ở các góc. Mấy người gác cổng có ở đấy những
nhà tiêu riêng giống như những đõ ong. Ban đêm, họ đi đái, đụng vào
những thùng rác khua vang như sấm.
Quần áo giăng ra phơi hết cửa sổ này sang cửa sổ khác.
Sau những bữa tối, nếu không lao vào những cuộc cãi cọ, xô xát, thì
họ cũng oang oang tranh cãi về kết quả những cuộc đua ngựa. Nhưng rồi
các nhà thể thao võ mồm ấy cũng thường kết thúc bằng những cái tát,
những cú đấm, vì chuyện này hay chuyện nọ, để buộc đối thủ phải câm
miệng.
Mùa hè ở đây cái gì cũng nặng mùi. Trong sân không còn có gió, chỉ
còn các thứ mùi. Mà mùi súp-lơ thối thì không gì địch lại được. Một cái
súp-lơ thối bằng mười cái chuồng chồ kể cả những cái đầy tràn. Chuyện dĩ
nhiên! Những cái chuồng xí tầng hai thì luôn luôn tràn phè. Bà gác cổng
nhà số 8, bà lão Cézanne, phải đến với một cái gậy để chọc cho thông. Tôi
thường đứng xem bà lão múa cái gậy như múa kiếm. Cũng vì thế chúng tôi
dần dà chuyện trò với nhau.
Bà khuyên tôi:
- Tôi mà như ông là tôi gạt luôn ra mấy đứa ễnh bụng... Đàn bà con
gái trong cái khu này là phóng đãng lắm... Không thể tin được!... Mà đám
ấy thì còn gì hơn là được ông điều trị cho họ!... Tôi thì tôi nghĩ tốt hơn là
cứ chữa cho mấy anh chàng ký quèn lại hơn... Nhưng cần nhất phải đòi tiền
ngay.
Chẳng biết tự đâu mà bà lão Cézanne có tính khinh mạn của giới quý
tộc đối với những người lắm điều, nhiễu sự...
-Cái đám thuê nhà ấy là chẳng bao giờ vừa ý cả, y như bọn tù ấy, gây
khổ gây sở cho mọi người!... Lúc thì nhà tiêu tắc... Hôm khác thì hở ống
ga... Rồi hòm thư bị mở trộm!... Luôn luôn khiếu kiện... Luôn luôn quấy
rầy!... Có tay còn nhổ cả vào giấy đòi tiền nhà nữa... Bác sĩ xem...
Ngay cả việc thông hố xí, bà lão Cézanne thường phải thoái thác vì rất
khó.