xe ô tô đến đón cẩn thận. Tôi nhận ra ngay, ông thì thầm, chùi chân khá lâu
trên tấm thảm trước cửa nhà tôi. Dáng điệu ông len lén, mái tóc muối tiêu,
lưng hơi còng, ông muốn tôi đến mau xem cho đứa cháu ngoại.
Tôi cũng nhớ rõ con gái ông, lại một cô gái phóng túng nữa, tuy tuổi
xuân đã bắt đầu tàn, nhưng vẫn còn vững vàng và lặng lẽ, đã nhiều lần về
nhà bố mẹ để phá thai. Chẳng ai trách cứ gì chuyện ấy, mà chỉ muốn cô ta
kết thúc bằng việc lấy chồng cho xong, nhất là cô đã có một đứa con trai
lên hai gửi ông bà ngoại.
Đứa nhỏ ốm không lấy gì làm nặng, nhưng mỗi khi nó ốm thì cả ông,
cả bà, cả mẹ nó cùng khóc với nhau, khóc một cách khác thường, chỉ vì nó
không có được một người cha hợp pháp. Trong một gia cảnh không bình
thường như thế, nó trở thành đứa bé được cưng nhất nhà. Ông bà nó tin mà
không dám tự nhận là tin, rằng những đứa con hoang dễ quặt quẹo ốm đau
hơn những trẻ khác.
Còn bố thằng bé, người mà họ ít ra cũng tin là bố nó, thì đã biến đi hẳn
rồi. Người ta đã nói nhiều với người đàn ông ấy về chuyện cưới xin, và có
lẽ điều đó đã làm cho y ta lo lắng. Bây giờ thì y đã cao chạy xa bay. Không
ai hiểu rõ được nguyên nhân chuyện bỏ rơi này, nhất là cô gái, vì cô biết
rằng y rất thỏa mãn trong việc ăn nằm với cô.
Vậy là, từ khi kẻ thay lòng đổi dạ ấy ra đi, cả ba người ngắm nhìn đứa
bé mà khóc lóc và rồi thế này đây. Cô ta đã hiến dâng cho người đàn ông
đó “cả thể xác lẫn tâm hồn” như cô nói. Việc ấy phải đến, và theo cô thì
như vậy đã đủ để lý giải mọi chuyện. Đứa nhỏ từ bụng cô sinh ra, sinh dễ
dàng và để lại hai bên sườn cô toàn những nếp nhăn. Lời nói có thể thỏa
mãn tinh thần, nhưng với thể xác thì không giống thế, thể xác khó tính hơn
vì cái nó cần là cơ bắp. Thể xác luôn luôn là cái hiển nhiên, bởi thế khi nhìn
vào thể xác hầu như luôn luôn thấy buồn chán. Quả đúng như vậy, tôi ít gặp
cuộc sinh nở nào lại cướp đi cái tuổi thanh xuân mau đến thế. Có thể nói
rằng với người mẹ ấy thì chỉ còn những tình cảm và tâm hồn. Chẳng ai còn
mong gì hơn.