Một hôm, bà cụ Henrouille bỏ nhà cửa, bỏ con trai, con dâu, tự động
đến thăm tôi. Mà cũng không ngờ nghệch gì đâu. Rồi từ đây, bà ta thường
đến để hỏi xem có thật là tôi tin rằng bà ấy điên không. Dường như đó cũng
là một trò giải trí của bà cụ già này cố tình đến hỏi tôi về việc ấy. Bà ta ngồi
chờ trong căn phòng tôi dùng làm phòng đợi. Ba cái ghế và một cái bàn ba
chân.
Tối hôm ấy, khi tôi về đã thấy bà cụ trong phòng đợi đang an ủi cô
thằng nhỏ Bébert. Bà cụ Henrouille kể lại tất cả những mất mát trong đời
bà, mất họ hàng thân thuộc trên dọc đường, trước cả tuổi thằng Bébert, mất
hàng tá những đứa cháu gọi bằng cô bằng dì, mất những ông chú ông cậu
chỗ này chỗ kia, một ông bố ở nơi rất xa, từ giữa thế kỷ trước và cả những
bà cô bà dì nữa, rồi đến những người con gái của bà hầu như khắp chốn, bà
không còn biết được ở những đâu và chết ra sao, hình ảnh của họ đến nay
bà phải cố hình dung ra vì đã trở thành hư ảo không còn rõ nét nhưng mỗi
lần nói chuyện về họ với ai thì bà càng thấy buồn lòng. Không chỉ những
ký ức về những người con của chính bà. Bà còn kể lan man cả một loạt
những người từ cõi chết, những con người xưa cũ, nghèo nàn, từ lâu chỉ
còn là những cái bóng câm lặng, những nỗi buồn khôn tả, nhưng bà cũng
cố khuấy lên với nỗi đau thật sự để an ủi cô thằng Bébert, vừa lúc tôi về tới.
Rồi đến lượt Robinson đến gặp tôi. Tất cả làm quen với nhau, thành
những người bạn mới của nhau.
Cũng chính từ hôm ấy, cho đến nay tôi còn nhớ rõ, Robinson thường
gặp bà cụ Henrouille trong phòng đợi của tôi. Họ nói chuyện với nhau.
Hôm sau là ngày đưa đám Bébert. Cô nó gặp ai cũng hỏi: “Mai cụ (hay
bác) có đi đưa đám cháu không? Tôi sẽ rất thỏa lòng nếu được cụ (hay bác)
đi đưa cháu...”
Bà cụ già trả lời: “Nhất định là tôi sẽ đi. Trong những lúc như thế này
mà có được nhiều bè bạn quanh mình thì thật yên lòng”. Không còn ai kìm
chân được bà cụ trong túp lều ấy nữa. Bà cụ trở thành một người dã ngoại.
Cô thằng bé cảm ơn bà cụ:
-Cụ đi dự thì tốt quá. Thế còn ông, ông cũng đi chứ? Chị ta hỏi
Robinson.