Entơni lắc lắc người. Anh sắp ngất đi. Ra thế đấy! Anh ngồi sụp xuống
một chiếc ghế bành, hỏi xin một cốc nước.
Bác sĩ gấp tờ khai lại, nhét vào túi gilê. Rồi đưa ánh mắt sắc sảo liếc
Entơni, ông ta lại rút tờ khai đó ra, đưa cho Entơni.
- Ông giữ lấy bản sao này. Tôi không cần đến nó. Tôi lấy cốt để cho ông
biết.
- Xin cảm ơn, - Entơni nói, giọng nặng nề.
Anh nhìn bác sĩ Mơnrô ra khỏi phòng. Các bức tường đang vững vàng trở
lại.
Tuy người vẫn run rẩy, song tâm trí anh tỉnh táo, đó là một công cụ lạnh
lùng của bản năng tự bảo toàn. Anh suy nghĩ mau lẹ, dữ dội. Anh phải làm
gì đây? Hình ảnh Xtivơ được đưa ra cho thiên hạ biết là em trai anh đang
làm anh khủng khiếp. Như thế có nghĩa kết thúc sự nghiệp của anh, kết thúc
đời sống xã hội của anh, kết thúc tất cả mọi thứ, có lẽ chỉ trừ tình yêu của
Ren.
Không, anh không dám đưa Xtivơ ra làm nhân chứng trước tòa. Anh phải
duy trì lời khai giả dối của anh đối với cảnh sát. Anh phải tiếp tục giả vờ chỉ
có một mình ở nhà. Việc đó chống lại lời khai của Bôdơmen. Chắc chắn
người ta sẽ tin anh. Tâm trí rối bời, anh suy xét về những lời khai của
Bôdơmen. “Chứng cớ dựa vào lời đồn, nó sẽ không là chứng cớ được thừa
nhận ở tòa, trừ khi lúc khai như thế nạn nhân đợi chết một cách chắc chắn
và tuyệt vọng”.
Nhưng có lẽ Bôdơmen đã không ở trong tình trạng đúng như thế chăng?
Nếu lúc hắn ta khai, hắn ta biết sắp chết, thì chánh án sẽ công nhận chứng
cớ đó. “Không người nào trở về với Đấng sáng thế mà lại mang theo một
lời dối trá”. Đó là nguyên lí, - là một ngoại lệ - cho phép công nhận “những
lời tuyên bố khi hấp hối” ở tòa án. Nếu xác minh Bôdơmen biết mình đang
hấp hối, thì không những lời khai đó được thừa nhận mà có thể được làm
căn cứ để tòa án tin và nghe theo.