Nhưng hầu như các thầy cô lại chỉ quan tâm nhiều đến những thứ ngoài lề.
Ví như bạn ăn uống thế nào, sở thích của bạn ra sao, năng khiếu của bạn
là gì, bạn có những mong ước gì...
Có cuộc phỏng vấn với trường kéo dài cả tiếng đồng hồ vì thầy tuyển
sinh chợt phát hiện ra là mình và thầy cùng có chung sở thích là thích tìm
hiểu lịch sử nước Mỹ. Thế là cả thầy và trò đều thao thao bất tuyệt về sở
thích đó. Rồi cười vang. Thích cực.
Nên nếu bạn chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, có lẽ điều mà bạn cần làm là:
Giữ tâm thế cực kì thoải mái. Họ phỏng vấn để nhận bạn nhập học vào
trường họ chứ không phải bắt bạn đi đày ải ở đâu cả nên bạn cứ tự tin thoải
mái là bạn đã “ăn điểm” rồi.
Hãy chuẩn bị các công cụ cho buổi phỏng vấn diễn ra thật suôn sẻ, ví dụ
xem chất lượng đường truyền, chỗ đặt máy.
Hãy ăn mặc lịch sự. Bố mẹ mình thường bật cười khi thấy nửa đêm mà
mình vẫn ăn mặc bảnh chọe ngồi trước màn hình máy tính. Vì nửa đêm ở
Việt Nam thường là buổi trưa ở Mỹ mà.
Và cuối cùng, hãy tìm hiểu thật kĩ về ngôi trường mà bạn đang tham gia
phỏng vấn. Người ta không muốn nhận một người chỉ giống như “tình cờ”
đi ngang qua trường họ. Phải làm cho họ hiểu, mình đã hiểu kĩ, đã biết đầy
đủ các yêu cầu, điều kiện và mình sẵn sàng đáp ứng tất cả những điều ấy.
Thì ai mà lại đi “hẹn hò” với một người chưa hiểu rõ về mình phải không
các bạn.
Tuy nhiên, với bản thân mình, việc phỏng vấn là công đoạn dễ dàng nhất
trong cả quá trình hoàn tất hồ sơ du học.
Và như một ngẫu nhiên đầy thú vị, đúng ngày mồng 01 tháng 05 năm
2014, trùng vào ngày sinh nhật mình, mình nhận được lời chấp nhận của
trường học bên Mỹ.
Nó như một bước khởi đầu cho tuổi mới.
Và mình thực sự hào hứng với điều đó.
Nhưng bố mẹ thì băn khoăn nhiều lắm, nhiều lắm.
Mẹ thì như thường lệ, khóc suốt. Mẹ chưa thể hình dung đến việc sẽ xa
mình ở thời điểm mình mới ở tuổi 13.