Chính vì tự lực nên mình phải lo liệu tất cả những khâu liên quan đến
giấy tờ.
Mình ước đoán nếu xếp chỗ giấy tờ đã từng làm lại có lẽ cũng cao đến cả
gang tay.
Bấy giờ, bố mẹ lại chưa hoàn toàn ủng hộ việc mình đi du học nên mình
phải tự xoay xở. Ngay cả các giấy tờ thuộc về bố mẹ, ví như bản kê khai
thu nhập cá nhân.
Rồi đến công đoạn viết bài luận.
Mình cứ tưởng phần này mình sẽ hoàn thành trong vòng “ba nốt nhạc” vì
mình vốn có sở trường ở khâu viết lách.
Không những thế, ngày nào mình cũng luôn tự đặt ra mục tiêu là viết
một bài luận. Mục tiêu này có từ khi mình bắt đầu học tiếng Anh. Khi đó
“bài luận” của mình chỉ dài chừng... vài ba dòng. Nhưng mình rất kiên trì
và tăng dần độ khó. Về sau này, mình đều nhờ bố mẹ ra chủ đề để viết.
Thực ra viết bài luận tiếng Anh thích hơn tiếng Việt vì các chủ đề rộng mở,
kích thích suy nghĩ, khám phá, tìm tòi. Các chủ đề này không có tính đúng
sai mà bạn hoàn toàn được phản biện. Khi viết bài luận đòi hỏi bạn cũng
phải vào mạng và đọc sách để tìm hiểu thông tin, tự bổ sung thêm kiến
thức. Nó khác hẳn với những đề tập làm văn mà mình thường làm ở trường.
Nên mình rất thích.
Thói quen thì đã duy trì từ nhỏ, kĩ năng cũng đã được rèn giũa. Ấy thế
mà khi bắt tay vào viết một bài luận có tính chất làm tiền đề cho cuộc “hò
hẹn”, mình bị “bí” thực sự.
Mình không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm thế nào để bài luận hấp
dẫn, chân thật.
Mình cứ viết rồi xóa, xóa rồi viết. Hặm hụi từ ngày này qua ngày khác.
Các cô chú ở tổ chức du học thì cực kì kĩ tính. Hầu như những bài mình
viết, các cô chú đều nói: Chưa được rồi, viết kiểu này cháu chưa phản ánh
đúng mình. Cháu hãy viết cho chân thực hơn, không màu mè kiểu cách.
Ôi chao, mình thực sự hoang mang.
Trong thời điểm đó, mình cũng tranh thủ apply học bổng của một quỹ
bên Mỹ. Và họ cũng yêu cầu viết bài luận. Có khá nhiều chủ đề đưa ra, ví